Theo
hướng từ A Lưới xuống Huế cứ điểm Tà Lương nằm ở phía bên trái đường 12. Nó gồm
hai mỏm: Tà Lương 1 và Tà Lương 2. Tà Lương 1 thấp hơn nằm ngay sát đường, còn
Tà Lương 2 cao hơn nằm lui về phía sau. Hai mỏm Tà Lương nối với nhau bằng một
cái yên ngựa chừng hai trăm mét. Lực lượng địch đóng ở đây có khoảng một đại đội
được tăng cường các hỏa khí tương đối mạnh như tên lửa chống tăng, cối 106,7
ly… Xung quanh cứ điểm là hàng chục lớp hàng rào dây thép gai, công sự được xây
dựng khá kiên cố bằng gỗ súc và bao cát.
Với
lực lượng và trang bị vũ khí như vậy sẽ chẳng ăn nhằm gì với một đại đội xe
tăng, nhưng cái khó nhất ở đây chính là đường cơ động. Từ đường 12 lên mỏm 1 và
sang mỏm 2 của cứ điểm chỉ có một con đường độc đạo, sau một mùa mưa dài đường
12 và con đường lên cứ điểm đều bị sạt lở nghiêm trọng. Nhìn con đường có chỗ đất
sụt gần sát ta luy dương, Thận ngán ngẩm: “đường với sá thế này thì đánh nhau
thế quái nào được”.
Sáng
24 tháng giêng năm 1973 đại đội trưởng Thận và chính trị viên Đán được lệnh vào
căn cứ Hai nhận nhiệm vụ. Khi hai người đến hầm chỉ huy của căn cứ đã thấy khá
đông người trong đó, tiểu đoàn trưởng của các anh cũng đã từ 108 sang đây từ
bao giờ. Người giao nhiệm vụ cho các anh là tham mưu phó quân khu. Sau khi tóm
tắt tình hình địch và ý định của ta ông nhấn mạnh:
-
Lực lượng tham gia tiến công Tà Lương gồm có một đại đội bộ binh của căn cứ Hai
hiệp đồng với đại đội xe tăng Bốn, sử dụng bao nhiêu xe do các anh bàn bạc thống
nhất với nhau. Về thời gian tiến công quân khu ấn định là vào nửa đêm về sáng
27 tháng giêng và phải hoàn thành trước 7 giờ sáng là giờ hiệp định chính thức
có hiệu lực. Chỉ huy chung trận đánh là chỉ huy trưởng của căn cứ Hai, đồng chí
tiểu đoàn trưởng xe tăng sẽ làm đại diện xe tăng tại sở chỉ huy.
Ông
còn nói dài dài về tầm quan trọng của trận đánh nhưng Thận chẳng còn bụng dạ
nào để nghe, anh đang nhẩm tính các công việc tiếp theo sẽ phải làm. Ngoài ra
khi nghe đến phải hiệp đồng với quân của căn cứ Hai anh đã thấy nản: đây đâu phải
là “lính chiến” mà toàn là lính hậu cần chuyên gùi gạo, cáng thương. Vì vậy
ngay sau khi tham mưu phó hỏi ai có ý kiến gì không anh lập tức giơ tay:
-
Tôi hoàn toàn nhất trí với nhiệm vụ nhưng có một số đề nghị sau: Thứ nhất hiện
nay đường 12 từ chỗ chúng tôi lên đến Tà Lương bị sạt lở nghiêm trọng, đề nghị
cấp trên cho khắc phục ngay thì chúng tôi mới đưa được xe tăng lên để tham gia
chiến đấu. Thứ hai, Tà Lương có hệ thống hàng rào, vật cản rất kiên cố và chắc
chắn là có mìn chống tăng. Vì vậy chúng tôi đề nghị quân khu phải bổ sung lực
lượng công binh mở cửa và dò gỡ mìn khi cần thiết. Thứ ba đề nghị đồng chí chỉ
huy phải tổ chức hiệp đồng chặt chẽ giữa xe tăng và bộ binh vì tôi biết lực lượng
bộ binh của căn cứ Hai chưa bao giờ tác chiến hiệp đồng với xe tăng.
Chỉ
huy trưởng căn cứ Hai cũng đứng dậy:
-
Quả thật bộ đội của căn cứ Hai chúng tôi chưa bao giờ tác chiến hiệp đồng với
xe tăng và nói chung cũng ít có cơ hội tham gia trực tiếp chiến đấu như thế
này. Vì vậy chúng ta sẽ tổ chức hiệp đồng ngay trong buổi trinh sát thực địa
vào chiều ngày mai. Còn các đề nghị của xe tăng chúng tôi sẽ cố gắng bảo đảm dến
mức cao nhất.
Dù
không thỏa mãn lắm nhưng đánh thì vẫn phải đánh thôi, Thận tự nhủ. Sau khi đi
trinh sát thực địa về anh quyết định chỉ sử dụng trung đội Một và xe 386 của
anh vì địa hình ở đây không cho phép sử dụng cả đại đội. Quá trình cơ động xe
381 của Tiến sẽ đi đầu, xe 380 đi thứ hai, xe 386 của anh sẽ đi cuối. Khi đến
tuyến triển khai xung phong các xe phía sau sẽ dừng lại dùng hỏa lực chi viện
các xe phía trước xung phong và sau đó sẽ nhanh chóng chuyển sang xung phong.
Cái khó nhất ở đây là đường độc đạo cho nên chỉ sử dụng được đội hình hàng dọc,
mà nếu một xe bị làm sao thì các xe sau sẽ không thể vượt qua được. Còn trung đội
Hai sẵn sàng bước vào chiến đấu khi cần thiết vì cấp trên dự kiến nếu tình hình
phát triển thuận lợi sẽ đánh luôn cả Động Tranh.
Mờ
sáng ngày 28, khi bộ binh đã chiếm lĩnh trận địa xuất phát xung phong thì xe
tăng được lệnh xuất kích. Ba chiếc xe tăng thành một hàng dọc theo đường 12 tiến
về Tà Lương, những chỗ sạt lở trên đường đã được công binh vá víu nhưng vẫn rất
hẹp và yếu nên tốc độ cơ động rất chậm. Khi còn cách Tà Lương khoảng 1 cây số
trời đã sáng hơn, đã nhìn rõ lá cờ ba sọc và công sự trên cứ điểm thì Thận cho
phát hỏa. Anh nhấn công tắc ngực nói từng tiếng không dùng mật ngữ:
-
Toàn đại đội phát hiện mục tiêu tiêu diệt! 381 tăng tốc độ!- Chuyển về nội bộ
anh hạ lệnh- Đạn nổ, mỏm Tà Lương 1, 800, dừng bắn!
Thái
dừng xe kéo một bên cần lái cho nòng pháo hướng thẳng về phía Tà Lương, pháo
hai Đạt đã tống một quả đạn vào nòng, Độ “híp” dán chặt mắt vào kính ngắm. “Ầm”
một tiếng, cái vỏ đạn rơi “xoảng” xuống sàn xe. Qua kính Thận đã nhìn thấy điểm
nổ của đạn, anh hô:
-
Tốt lắm! Giữ nguyên phần tử chuyển sang bắn các mục tiêu khác.
Phía
trước xe 380 cũng đang bắn từng phát chắc nịch, xe 381 thì vừa chạy vừa bắn. Từ
trong cứ điểm bọn địch cũng bắn ra như vãi trấu, những khẩu đại liên M50 xả từng
loạt dài như không bao giờ dứt. Trận địa cối ở mỏm 2 cũng đã lên tiếng, những cụm
khói xuất hiện dày đặc trên con đường hướng về cứ điểm. Không nhìn thấy lực lượng
mở cửa của bộ binh đâu Thận lo lắm, anh chửi thầm: “biết ngay mà, chỉ ăn với
gùi có biết đánh nhau đâu”. Nhìn thấy các công sự ở mỏm 1 đã bị tiêu diệt hết
Thận ra lệnh:
-
Tất cả tăng tốc độ! Tập trung hỏa lực bắn vào cửa mở- Quay về nội bộ anh hô- Bắn
mạnh vào chỗ cửa mở!
Xe
386 và 380 tiếp tục bắn mạnh vào đầu con đường lên cứ điểm, chỗ được xác định
là cửa mở. Trong khi đó xe 381 đã áp sát Tà Lương 1 và chỉ còn vài chục mét nữa
sẽ đến đầu con đường dẫn vào cứ điểm, khẩu súng máy bên pháo của nó xổ ra hàng
tràng đạn như hoa cà hoa cải vào mấy công sự phía trước mỏm 1. Lố nhố mấy bóng
áo rằn ri chạy thục mạng về phía sau.
Dán
mắt vào kính trưởng xe Đậu Minh Tiến trông thấy toàn bộ địch ở mỏm 1 đã bị tiêu
diệt và bỏ chạy hết. Hàng rào dây thép gai chỗ đầu đường vào cứ điểm đang bị
hai xe phía sau bắn phá dữ dội đã bị hư hại một ít, “chỗ còn lại vẫn có thể
xông qua được” anh nghĩ thầm như vậy và hô:
-
Lái xe tăng tốc độ! Pháo thủ bắn mạnh vào cửa mở!
Lữ
Văn Hỏa nhấn mạnh chân dầu, chiếc xe tiếp tục băng băng lao tới. Đã vượt qua
tuyến bộ binh, một vài chiến sĩ lúp xúp chạy theo xe. Pháo thủ Hạnh hạ nòng
pháo bắn vào đầu con đường dẫn lên cứ điểm. Khoảng cách chỉ còn hơn trăm mét,
nhìn rõ những búi thép gai tung lên sau những tiếng nổ.
Một
đoạn đường hẹp hiện ra trước kính lái. Chỗ này đường bị sạt nặng nhưng chắc gần
địch quá nên công binh không sửa. Hỏa kéo cần lái ép sát ta luy dương và thận
trọng lái qua. Bỗng chiếc xe lạng đi và nghiêng hẳn về một bên. Một cảm giác ớn
lạnh chạy dọc xương sống lưng Tiến, anh biết xe mình đã bị rệ. Hỏa cũng vậy,
anh vội về số Một và đưa hai cần lái về vị trí “hành tinh” hòng vượt qua tình
huống khó khăn này. Nhưng xích càng guồng đất càng lở và xe càng nghiêng hơn, Hỏa
đành bấm “báo gọi” và nói:
-
Xe bị rệ rồi anh Tiến ạ!
-
Có lên được không?- Tiến hồi hộp.
-
Cố mãi mà không lên được đâu. Rệ nặng lắm!
Tiến
bóp công tắc ngực báo cáo:
-
81 gọi 86! 81 bị rệ nặng không lên được. Xin chỉ thị!
Từ
phía sau Thận đã nhìn rõ xe 381 bị nghiêng hẳn về một bên đang nằm chênh vênh
trên miệng vực. Từ trên sở chỉ huy tiếng tiểu đoàn trưởng Trác nhắc:
-
86 nhanh chóng xung phong! Gần đến giờ quy định rồi.
Đầu
Thận rối bời. Đường thì độc đạo, xe 381 đã bị rệ chắn hết cả đường không thể
nào vượt lên được, trên thì cứ giục. Anh bóp công tắc phát:
-
Báo cáo! Xe 381 bị rệ chắn mất đường, 86 không thể xung phong được. Đề nghị cho
tại chỗ bắn chi viện bộ binh xung phong.
Chắc
ở sở chỉ huy có sự trao đổi gì đó nên một lát sau mới thấy trả lời:
-
Đồng ý! Tại chỗ bắn vào mỏm 2 chi viện cho bộ binh xung phong.
Thận
trả lời:
-
Nhận đủ! 80 chú ý, bắn mạnh vào mỏm 2- Quay về nội bộ anh hô- Tại chỗ bắn mạnh
vào mỏm 2!
Độ
“híp” rê nòng pháo vào mỏm 2 bắn liền ba phát. Đến phát thứ tư cậu ta bóp cò
mãi vẫn không thấy đạn nổ. Không thấy pháo nổ Thận quát:
-
Tiếp tục bắn đi chứ!
-
Báo cáo bóp cò mãi đạn không nổ!- Độ hổn hển trả lời.
Thận
rời mắt khỏi kính trưởng xe nhìn sang buồng pháo hai. Trong buồng chiến đấu
khói mù mịt, thum thủm mùi thuốc phóng cháy. Dưới ánh sáng vàng vọt của ngọn
đèn trần anh thấy Đạt đang nằm giữa đống vỏ đạn ngổn ngang, hai tay cậu ta vẫn
ôm một quả đạn. Thận đoán rằng Đạt đã bị ngất vì gắng sức và ngạt thở nên khi
thấy bên ngoài khá an toàn Thận với tay mở khóa và đẩy mạnh cửa pháo hai lên,
anh quát Độ:
-
Sang buồng pháo hai đưa Đạt ra ngoài.
Hai
anh em trầy trật đưa được Đạt ra buồng truyền động, cậu ta nằm lả đi như đã chết.
Độ vội làm mấy động tác hô hấp nhân tạo. Mắt Đạt từ từ mở ra, cậu ngỡ ngàng
không biết mình đang ở đâu. Nhận được tín hiệu của Thận bộ phận hậu cần, kỹ thuật
đã tới đón Đạt về phía sau. Chỉ còn ba anh em, Thận bảo Độ:
-
Cậu sang nạp đạn để tớ bắn.
Trời
đã sáng nên các mục tiêu nhìn rất rõ, Độ nạp đạn cho Thận bắn vào mỏm 2 thêm mấy
phát nữa, phía trước xe 380 cũng đang bắn mạnh vào mỏm 2. Quân địch không thấy
phản ứng gì.
Sở
chỉ huy yêu cầu báo cáo tình hình. Thận dừng bắn bóp công tắc phát:
-
86 gọi 81! Yêu cầu 81 báo cáo tình hình.
-
81 gọi 86! Xe vẫn bị rệ, không thể khắc phục được!
Thận
gọi về sở chỉ huy:
-
86 gọi sở chỉ huy! Hầu hết công sự tại mỏm 2 đã bị phá hủy, địch không phản ứng
gì nhưng không thấy bộ binh xung phong. Xe 381 vẫn chưa khắc phục được. Hết!
Lại
im lặng một lúc lâu, chắc có sự tranh luận gì đó ở sở chỉ huy. Cuối cùng giọng
chỉ huy trưởng căn cứ Hai vọng đến:
-
86 chú ý nhận lệnh: cho người trong xe 381 rời xe, bắn hủy xe 381 rồi cơ động về
vị trí tập kết!
Thận
như không tin vào tai mình, anh lên đài hỏi lại:
-
86 gọi sở chỉ huy! Đề nghị nhắc lại mệnh lệnh!
Vẫn
tiếng người chỉ huy căn cứ Hai:
-
Tôi nhắc lại: cho thành viên xe 381 rời xe, tổ chức hủy xe rồi cơ động về vị
trí tập kết! Thời gian không còn nhiều nữa đâu!
Thận
nài nỉ:
-
Tôi đề nghị cho xe lên kéo!
-
Không kịp nữa rồi! Đã sắp đến giờ hiệp định có hiệu lực. Các anh phải chấp hành
mệnh lệnh!
Thận
thấy đầu ong ong như muốn lên cơn sốt. Anh biết rằng sắp đến giờ Hiệp định
Paris chính thức có hiệu lực, việc giữ thể diện là cần thiết nhưng anh không nỡ.
Một cái xe tăng là bao nhiêu tiền của, đưa vào đến đây đâu có dễ dàng gì, anh
và đồng đội của anh đã phải trải qua trăm ngàn gian khó mới hoàn thành được nhiệm
vụ đó. Trong đầu Thận chợt loé lên một ý nghĩ, anh vội lên đài:
-
86 báo cáo sở chỉ huy! 86 bị khuất tầm nhìn không bắn được. Xin chỉ thị!
Trên
sở chỉ huy lại im lặng, Thận phấp phỏng hy vọng. Bỗng giọng người chỉ huy căn cứ
Hai lại vang lên:
-
86 lập tức cho người rời xe và cơ động về vị trí tập kết! Tôi sẽ cho bộ binh bắn
hủy!
Biết
không còn cách nào khác Thận đành bóp phát:
-
86 gọi 81! 81 nhanh chóng cho thành viên rời xe cơ động về phía sau. Nhận đủ trả
lời!
Thực
ra các cuộc trao đổi trên đài Tiến đã nghe được cả. Anh bảo Hỏa cố tìm cách khắc
phục xem sao nhưng vẫn không được, bây giờ nhận lệnh rời xe để hủy nó anh thấy
lòng đau như dao cắt. Chiếc xe tăng 381 như con tuấn mã thân thương đã cùng anh
và đồng đội gắn bó biết bao, đến nỗi nó đã như một phần máu thịt của mỗi người.
Trên đài Thận lại đang nhắc lại:
-
86 gọi 81! Nhanh chóng rời xe cơ động về phía sau! Nhận đủ, trả lời!
-
Nhận đủ!- Tiến buông xõng rồi hô- Tất cả ra khỏi xe!
Dẫu
đã biết trước nhưng cả bốn anh em vẫn lặng đi một lúc rồi mới mở cửa chui ra.
Ra khỏi xe họ còn đứng lặng một lát rồi mới nép sát vào ta luy chạy về phía
sau. Đi ngược chiều với họ là một chiến sĩ bộ binh vác khẩu B41, anh ta nói:
-
Các ông đi nhanh lên để tôi còn bắn!
Thấy
anh ta đã quỳ xuống ngắm bắn bốn anh em đều dừng lại nhìn. “Bùm”, “Ầm”. Hai tiếng
nổ kế tiếp nhau, một đụn khói bốc lên trùm kín chiếc xe. Tiến liếc nhìn mọi người,
cả ba mắt đều đỏ hoe. Cố nén cơn xúc động anh giục:
-
Thôi đi về!
Lúc
đó là 8 giờ kém 15 phút sáng 28 tháng giêng năm 1973, mười lăm phút sau Hiệp định
Paris chính thức có hiệu lực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét