Đường 73 là con
đường nối giữa đường 14 B với đường 14 cũ, hai con đường sẽ gặp nhau tại Nam
Đông, nó vừa mới được ta tranh thủ mở sau hiệp định Paris nên còn rất hẹp. Vắt
ngang dãy A Roàng từ thung lũng A Lưới xuống bình nguyên Nam Huế nên cũng tương
đối hiểm trở. Chỉ có điều sướng hơn năm 72 là không có máy bay, chạy được suốt
ngày, còn đêm đến thì cứ bật đèn pha mà chạy. Tự tin vào tay lái của mình Trang
bảo trưởng xe Luông:
- Anh mà buồn
ngủ thì cứ ngủ đi! Kệ em!
Từ A Lưới vào đến
hậu cứ cũ ở cây số 108 đường bằng phẳng, xe toàn chạy số ba số bốn, nhưng bắt đầu
vào đường 73 chỉ còn chạy số một, số hai; con đường cứ dốc ngược lên, những cái
cua gập như tay áo. Đi thứ ba trong đội hình nhiều lúc Trang phát hoảng bởi
nhìn thấy dưới băng xích xe 386 đằng trước đất đá cứ rơi lả tả xuống vực. Mấy
cái chắn bùn được hàn vá tương đối chắc chắn nay lại va vào ta luy rách tơi tả.
Đã vào mùa khô, đất đá tơi vụn ra dưới hai băng xích thi nhau thốc vào mặt mũi
cánh lái xe, mỗi lần nghỉ ngắn nhìn thấy nhau lại bò ra cười vì thằng nào thằng
ấy cứ như hề.
Chạy cật lực gần
suốt đêm thì Thận cho đại đội dẹp vào một bên đường dừng nghỉ. Vừa hạ ghế lái
xuống Trang đã ngủ luôn không kịp uống ca sữa Thọ pha. Cậu ta lẩm bẩm: “đúng là
ăn pháo thủ, ngủ lái xe, sáng mai pha cho nó ca khác” rồi làm một hơi hết ca sữa.
Sau bữa cơm cả
đại đội lại tiếp tục lên đường, lại những con dốc ngất trời, những khúc cua
chóng mặt, lại va vào ta luy dương, đất đá lại lả tả lăn dưới những băng xích.
Đến chặng nghỉ thứ nhất đợi mãi không thấy xe 382 và 389 tới nơi, Thận vội chui
vào xe mở đài thì nhận được báo cáo của đại đội phó Phượng:
- 82 gọi 86! Xe
382 bị hỏng giảm tốc sườn, do đường hẹp xe 389 cũng bị kẹt lại. Xin chỉ thị!
Chẳng mật ngữ
gì nữa Thận gắt:
- Thế liệu có
khắc phục được không? Mất bao nhiêu lâu?
- Hiện tại
không có khí tài thay thế ở đây, phải quay về A Lưới lấy nên có lẽ hơi lâu- Tiếng
Phượng vọng về từ xa tắp.
- Thôi! Anh cứ ở
lại với anh em, bao giờ xong thì đuổi theo đội hình. Có lẽ bọn tôi phải đi trước
đây.
Ra khỏi xe anh
bảo Chỉnh đi gọi chính trị viên. Hai người chụm đầu bàn bạc một lúc, cuối cùng
Thận bảo:
- Cứ phải đi
cho kịp đã, chúng nó đuổi kịp thì tốt, còn nếu không có xe nào đánh xe ấy.
Thế là đại đội
còn có 5 xe, trung đội Hai bây giờ còn mỗi xe trung đội trưởng.
Chạy đến 21 giờ
ngày hôm sau toàn đại đội đã có mặt tại đỉnh Động Truồi trước thời gian quy định,
hai xe bị kẹt lại vẫn chưa lên kịp. Người của sư 324 đã có mặt tại đó để đón và
hiệp đồng đến 9 giờ sáng hôm sau có mặt tại Cầu Răng Cưa để đi trinh sát thực địa
chuẩn bị tiến công cứ điểm Núi Bông, Núi Nghệ. Hỏi cầu Răng Cưa ở chỗ nào thì
chỉ được trả lời vắn tắt: “cứ đi thẳng đường này, thấy cái cầu nào mà người ta
xây các ụ xi măng hai bên thì đó là cầu Răng Cưa”.
Thế là chẳng
còn xa xôi gì nữa. Ngay dưới chân con dốc này thôi là địch, là đồng bằng, là Huế
thân yêu, nơi đã từng là mục tiêu của chính đại đội này ba năm về trước. Đúng
là “con đường thẳng chưa chắc đã là đường ngắn nhất”. Từ Cẩm Ly, Quảng Bình vào
Huế theo quốc lộ Một chỉ gần hai trăm cây số thôi mà đại đội Bốn này đã đi hết
ba năm với gần nghìn cây số. Những tháng ngày nằm ở đường 12 tưởng chỉ đi “rốn”
một tý là đến Huế mà nào có được. Rồi hai năm ăn chực, nằm chờ ở A Lưới đợi đến
lúc này đây.
Mặc dù đã lâu
không hành quân đường dài ai cũng mệt nhưng những cảm xúc xốn xang trào đến làm
mọi người trằn trọc. Nói gì thì nói dù đã trở lại với đội hình lữ đoàn nhưng những
người lính tiểu đoàn Bốn xe tăng nói chung và đại đội Bốn này nói riêng ai cũng
coi mình là một người lính của Thừa Thiên Huế. Cái mong ước được về giải phóng
Huế như một ngọn lửa âm ỉ cháy trong lòng họ đã mấy năm và chỉ nay mai sẽ bùng
lên. Mấy thằng tếu táo vẫn kháo nhau: “sau này thế nào cũng phải kiếm một cô vợ
Huế”. “Rắn” như đại đội trưởng Thận mà còn dặn vợ: “nếu đẻ con trai thì đặt tên
là Thành, còn nếu đẻ con gái thì đặt tên là Huế” cơ mà… Vì thế thật dễ hiểu khi
đêm nay mọi người cùng khó ngủ.
Sáng hôm sau Thận
gọi Tráng, Tập và Trang cùng anh đi trinh sát thực địa. Bốn anh em mỗi người một
khẩu AK, một bi đông nước và hai bánh lương khô kéo nhau đến chỗ hẹn. Đi một
thôi chừng ba mươi phút thấy một cây cầu đúng như lời dặn của anh chàng trinh
sát bộ binh, cũng cầu bằng bê tông, cũng hai dãy ụ xi măng hai bên làm giới hạn,
Tráng bảo:
- Ừ! Trông xa
đúng như cái lưỡi cưa nằm ngửa thật! Chắc chỗ này rồi!
Trông trước,
ngó sau một tý Thận bảo:
- Chắc đúng rồi
đấy!- Anh giơ tay xem đồng hồ- Mới có chín giờ kém mười, còn sớm chán. Ta cứ ngồi
đây đợi vậy!
Đợi đến mười
hai giờ vẫn chẳng thấy cánh bộ binh đến. Thận quyết định:
- Ta cứ đi!
Trên đường nếu gặp họ thì tốt, còn nếu không thì chủ yếu trinh sát đường cơ động
thôi, không vào núi Bông nữa.
Đi được chừng bảy,
tám trăm mét, vừa qua khỏi một khúc cua Trang đi đằng trước mấy bước đã reo
lên:
- Đây cũng có cầu Răng Cưa các anh ạ!
Thật vậy, cái cầu
ở đây cũng y hệt cái cầu mà họ vừa ngồi đợi, Thận lẩm bẩm:
- Kiểu này chắc
còn nhiều cầu Răng Cưa nữa chứ chẳng phải chỉ hai cái đâu.
Đi dấn thêm gần
một cây nữa lại có một cây cầu y hệt, chỉ khác là ở đó có ba bốn chàng bộ đội
đang ngồi tán róc một cách uể oải. Vừa nhìn thấy thầy trò Thận đến một anh dáng
chừng là chỉ huy đã hỏi ngay:
- Các anh bên xe tăng đi trinh sát phải không?
- Đúng đấy! Tôi là Thận, đại đội trưởng- Thận
giơ tay ra bắt.
- Tôi là Sơn,
trung đội trưởng- Anh trả lời và đưa tay bắt tay Thận- Nhưng sao các anh đến muộn
vậy, hẹn chín giờ cơ mà!- Sơn có vẻ trách móc.
- Ai bảo các bố
xác định địa điểm không rõ ràng, bảo nhau đến đợi ở cầu Răng Cưa nhưng bố cứ thử
đếm xem ở con đường này có bao nhiêu cái cầu như cầu Răng Cưa này- Thận trả lời.
Anh chỉ huy
trinh sát có vẻ ngượng:
- Thế “nó”
không chỉ cho anh trên bản đồ à?
- Không! Chỉ thấy
nói đúng một câu rồi đi luôn.
- Thôi được! Giờ
ta đi vẫn còn kịp.
Bốn anh em xe
tăng và bốn chiến sĩ trinh sát nhập với nhau thành một đoàn, họ vừa đi vừa trao
đổi về nội dung và phương pháp tiến hành trinh sát. Sự trục trặc về hiệp đồng đã
lấy mất của họ một khoảng thời gian hết sức quý báu. Nếu không có gì thay đổi
sáng sớm mai sẽ nổ súng tiến công núi Bông mà giờ họ còn chưa đến vị trí trinh
sát, vì thế Sơn luôn giục mọi người rảo bước.
Đã đến đỉnh Động
Truồi, từ đây trở đi chủ yếu là xuống dốc. Sơn bảo mọi người dừng lại giới thiệu
khái quát địa hình toàn bộ khu vực, cuối cùng chốt lại:
- Vấn đề mà các
anh cần lưu ý nhất khi đi từ trên này xuống là giữ bí mật. Các anh đều biết ở
trên cao này chỉ cần một que diêm thì dưới chân dốc nhìn đã rất rõ. Vì thế nếu
các anh bật đèn thì địch sẽ phát hiện ra ngay và sẽ gọi pháo từ Mỏ Tàu, Phú Bài
ngăn chặn quyết liệt. Vì vậy tôi đề nghị khi xuống dốc tuyệt đối không được bật
đèn- Tập và Trang nhìn nhau, lè lưỡi. Sơn vẫn tiếp- Ngay cả bây giờ chúng ta
cũng nên nép vào một bên mà đi, không loại trừ địch có những phương tiện trinh
sát hiện đại có thể nhìn thấy chúng ta đang đi ở trên này.
Thận nhắc nhở:
- Tập với Trang
chú ý nắm tình hình đường sá nhé. Đêm nay là đi “mò” đấy!
- Vâng ạ!- Tập
trả lời.
Con đường đã
lâu không có phương tiện cơ giới qua lại nên lau lách um tùm chờm hết cả vào
lòng đường, cả tám người nép vào bóng đám lau lách vô tổ chức đó để đi. Càng xuống
cuối dốc đường càng rộng và thoáng đãng hơn, từ đây đã nhìn thấy núi Bông đứng
sừng sững như một con voi lớn nằm phủ phục ngay bên đường. Rõ ràng đây là một cứ
điểm có ý nghĩ cực kỳ quan trọng bởi nó kiểm soát cả một vùng rộng lớn và toàn
bộ sự đi lại trên đường 14. Theo Sơn cho biết thì bộ binh đã đánh núi Bông từ
hôm 20 nhưng không ăn thua gì, nó vẫn “rắn” lắm.
Xuống gần hết dốc
thì đã ba giờ chiều, Thận bảo:
- Nội dung
trinh sát đường cơ động chỉ đến đây thôi. Bây giờ hai cậu quay về báo cho anh
Toàn chỉ huy đại đội cơ động ngay, trước 5 giờ sáng mai phải xuống hết dốc này
và sẵn sàng bước vào chiến đấu. Tớ sẽ đón đại đội tại chân dốc. Nhớ lời anh Sơn
dặn đấy nhé, tuyệt đối không dùng đèn từ khi bắt đầu xuống dốc.
- Rõ!- Cả Tập
và Trang cùng trả lời.
Mấy anh em bắt
tay nhau rồi chia tay. Tập và Trang vừa đi vừa chạy, vừa ăn lương khô mà chập tối
một lúc lâu mới về đến chỗ đại đội trú quân. Hai anh em vào báo cáo chính trị
viên Toàn và đề nghị cho xuất phát ngay mới kịp.
Chính trị viên
Toàn tập trung đại đội phổ biến nhiệm vụ. Khi nghe đến đoạn phải đi “mò” cả
hàng quân ồ lên. Đúng là trong điều kiện đường sá đèo dốc như thế này mà không
cho sử dụng đèn để lái thì lạ thật, nhưng khi nghe Tập giải thích thì mọi người
nhất trí ngay, thà đi chậm chứ tội gì mà gọi pháo bắn vào đầu mình. Trang cũng
xin có ý kiến:
- Tôi để ý thấy suốt dọc đường hai bên um tùm
lau lách, vì vậy khi lái đêm chúng ta có thể nhìn lên trời để căn đường cũng được.
Lại những tiếng
“ồ”, tiếng ai đó: “lái xe sao lại nhìn lên trời mà lái được?”. Nhưng rồi sau
khi trao đổi nhỏ với nhau cánh lái xe cũng nhất trí sẽ chú ý để vận dụng. Cuối
cùng Toàn kết luận:
- Đội hình hành
quân sẽ như sau: tôi đi đầu, sau đó là xe 386, 381, 387 và cuối cùng là xe 380
của đồng chí Trang. Do trời tối lại đi không đèn nên giãn cách giữa các xe giảm
xuống còn 25 đến 30 mét. Trường hợp xe bị hỏng hóc thì trưởng xe phải xuống xe
để báo cho xe sau biết, tránh tình trạng đâm vào nhau. Các đồng chí rõ cả chưa?
- Rõ!- Cả đại đội
đáp đồng thanh.
- Về xe! Chuẩn
bị xuất phát.
Đúng như Trang
đã nói, ánh trăng non đầu tháng không đủ soi tỏ mặt đường, dẫu có căng mắt ra
cũng không nhìn thấy hình hài con đường thế nào. Và thế là cánh lái xe cứ ngước
lên trời để điều khiển xe đi giữa hai hàng lau lách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét