Sau
ngày hiệp định Paris được ký kết, công tác tiếp vận từ Bắc vào đã thuận lợi hơn
nhiều. Xe ô tô có thể chạy cả ban ngày nên tốc độ cũng như lưu lượng hàng vận
chuyển được tăng cao vì thế tiêu chuẩn bộ đội được bảo đảm. Các rẫy tăng gia
cũng đã bắt đầu cho sản phẩm nên đời sống bộ đội đã được nâng lên rõ rệt. Cái
đói, cái rét đã bị đẩy lùi nhưng chính trị viên Toàn cảm thấy hình như vẫn thiếu
một cái gì đó, có lẽ đó là không khí của đơn vị còn trầm lắng quá chăng?. Anh
bàn với đại đội trưởng Thận và hai người đi đến quyết định phải có biện pháp để
nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội.
Công
việc đầu tiên được chọn là phải làm sân bóng. Khoảng đất trống trước cửa nhà
trung đội Một được chi đoàn thanh niên phát động mấy buổi lao động xã hội chủ
nghĩa đã được phát quang, đánh gốc và san lấp đã hình thành một sân bóng chuyền.
Chiều chiều tiếng hò hét, tiếng đập bóng đã làm huyên náo cả một góc rừng. Đến
bây giờ mới hé lộ bóng dáng của những ngôi sao. Đại đội trưởng Thận té ra cũng
là một cây đập có hạng, anh đập không mạnh nhưng “khôn bóng” nên hiệu quả rất
cao. Sáu Bùi hóa ra không chỉ ăn khoẻ mà còn là một cây tiến công chủ lực với
những cú đập búa bổ. Cậu ta vênh vang: “nếu đấu bóng chuyền theo kíp xe thì xe
386 sẽ nhất binh chủng”. Có lẽ thế thật vì xe ấy cả Chỉnh híp và Thọ đen đều
chơi được.
Sau
sân bóng chuyền đến sân bóng đá. Mất hơn một tuần lao động ngoài giờ cái sân
bóng đá mới hình thành, tuy mỗi bề chỉ ba bốn chục mét nhưng cũng có thể đá
“gôn tôm” được. Vừa mới làm xong sân bóng đá đã hút hết cả người, đại đội trưởng
Thận hóa ra là một tiền đạo cánh có tốc độ rất nhanh và đôi chân khéo với những
đường đi bóng cực kỳ lắt léo. Còn Trang thì khỏi nói, cậu được dịp thể hiện sở
trường của mình và trung đội Một của cậu thường là đội thắng. Ra sân bóng chuyền
giờ chỉ lèo tèo vài mống nên đại đội lại phải lên lịch quy định ngày thì chơi
bóng chuyền, ngày thì chơi bóng đá.
Không
chỉ đại đội Bốn làm sân bóng mà đại đội Ba rồi tiểu đoàn bộ cũng làm nhưng chỉ
làm được sân bóng chuyền. Hóa ra đội bóng của họ cũng chẳng yếu. Trên tiểu đoàn
thì có tiểu đoàn phó Phạm Ngọc Bảng là cây đập chủ công, còn bên đại đội Ba thì
Hải “xoăn” là linh hồn của đội. Các trận đấu trong tiểu đoàn diễn ra thường rất
căng thẳng, thắng bại chỉ được quyết định bởi những tỷ số hết sức sít sao. Cả
tiểu đoàn chỉ có hơn trăm người nhưng đội tuyển bóng chuyền cũng đã có tên tuổi
trong khu vực. Trong các trận giao hữu hay giải đấu chính thức đội bóng chuyền
của tiểu đoàn xe tăng 408 đã thi đấu hoàn toàn ngang ngửa với các trung đoàn
công binh, cao xạ và chỉ chịu thua đội bóng của sư đoàn 324.
Tiểu
đoàn về vị trí này được mấy tháng thì một bản của bà con dân tộc Pa Kô cũng về
định cư ngay bên cạnh. Đó chính là bản A lê nốc, quê hương của hai người anh
hùng Hồ Vai và Kan Lịch. Nghe bà con nói chuyện mới biết: ngày xưa họ cũng đã từng
ở đây, nhưng vì chiến tranh phải chạy tít lên núi cao, bây giờ hòa bình rồi lại
về đây ở cho đỡ khổ cái chân. Nhìn những gương mặt đen đúa, những thân hình tiều
tụy, những hàm răng bị cà không còn răng cửa, những đứa bé bụng ỏng đít vòn…
không ai không cảm thấy mủi lòng. Nhưng có lẽ không mấy ai biết cũng chính những
con người ấy đã một lòng một dạ theo cách mạng. Họ sẵn sàng ăn sắn, ăn lá cây
quanh năm để dành gạo cho bộ đội và chỉ một bản nhỏ mấy chục nóc nhà này mà có
đến hai người anh hùng. Trong cái bản nhỏ ấy cũng có hai cô gái khá xinh, đó là
Kan Hường và Kan Pia. Kan Hường người thanh mảnh, có khuôn mặt khá đẹp và chắc
là đã tiếp xúc nhiều với bộ đội, thanh niên xung phong nên ăn diện như người
Kinh. Còn Kan Pia đậm người, cô vẫn ăn mặc theo lối của đồng bào, khuôn mặt
không xinh như Kan Hường nhưng toát lên vẻ hồn nhiên và chất phác. Đã hàng năm
trời không được ở với dân, không thấy bóng con gái nên lính ta khoái lắm, cứ rỗi
rãi lại mò ra bản và dập dìu nhất vẫn là hai túp lều của Kan Pia, Kan Hường.
Pháo
thủ Phong dạo này chịu khó lắm. Hết giờ làm việc lại thấy cậu một mình lỉnh ra
cái lán xe 387 nằm khuất nẻo sau đồi đục đục, đẽo đẽo. Ai hỏi làm gì cậu ta
cũng chỉ nhăn răng cười trừ. Độ một tuần sau thì đã nhận ra bóng dáng một chiếc
giường gỗ. Phải công nhận Phong khéo tay, chỉ độc con dao quắm với cái tuốc nơ
vít sắt mài sắc mà cậu ta đã biến mấy mảnh gỗ đã xẻ sẵn từ hồi làm nhà thành một
chiếc giường như được bào đục hẳn hoi. Phong còn xin y tá Tảo ít qui nin về hòa
nước quét cho cái giường màu vàng ươm trông thật thích mắt. Mọi người cùng bàn
tán: “thằng này sao chơi trội thế, cả đại đội nằm giường tre ghép mà nó lại định
nằm giường gỗ à?”.
Nhưng
rồi một hôm cái giường biến mất. Những người quan tâm đến sự kiện này hỏi Phong
chẳng trả lời mà cứ tủm tỉm cười. Sự việc chỉ được sáng tỏ sau hôm chủ nhật
quân ta vào bản phát hiện ra: chiếc giường vàng choé mà Phong đã lao tâm khổ tứ
suốt nửa tháng trời đang hiện diện ở một vị trí trang trọng trong nhà Kan Pia.
Ai cũng bảo: “Đúng là Phong dại gái”. Riêng Phong vẫn chẳng hé răng điều gì
nhưng ra chiều mãn nguyện lắm.
Không
biết có ai gợi ý hay không mà một hôm trung đội trưởng trung đội Hai Lê Xuân Tự
nói nhỏ với chính trị viên Toàn:
-
Trong khu ủy có mấy cô hát dân ca Huế hay lắm, mình đóng quân ở đây mà không biết
hát dân ca xứ này thì cũng không hay. Sắp tới tiểu đoàn tổ chức hội diễn văn
nghệ, nếu biết hát dân ca ta cũng sẽ có món “độc chiêu”. Hay là ta mời họ về dậy
cho anh em mình mấy buổi.
Gì
chứ sáng kiến này được chấp thuận ngay và thế là Tự được cử làm “đại sứ” đi
liên hệ. Ngày hai “em” Thu Sen và Thu Lượng cùng với mấy anh trên khu ủy về đại
đội dạy hát dân ca trở thành một ngày trọng đại đối với đại đội Bốn. Dẫu nước
da vẫn còn tái mét sau những trận sốt rừng hai cô gái Huế vẫn là trọng tâm chú
ý của mấy chục cặp mắt sáng như đèn ô tô mở hết cỡ. Có gì lạ đâu, trừ mấy cô
gái dân tộc ngoài bản A lê nốc thì hơn một năm rồi đây là lần đầu tiên họ được
gặp con gái, được nghe tiếng nói tiếng cười con gái mà lại là gái Huế chính hiệu.
Lẽ ra chỉ một số hạt nhân văn nghệ được lên học hát nhưng rồi tên nào cũng kiếm
cớ để ngồi há hốc mồm ra nghe thì ít mà nhìn là chính. Tráng và Tự thì như bắt
được của, cứ lăng xa lăng xăng chăm chút cho các em từng ly từng tý.
Thì ra các điệu “lý” hay “hò” của dân ca Huế
cũng không khó hát cho lắm. Chỉ hai buổi được hướng dẫn mà lưng vốn của anh em
trong đại đội cũng đã có gần chục điệu hò, điệu lý như “Hò giã gạo”, “Lý mười
thương”, “Lý con sáo”, “Lý ngựa ô”….
Vốn
sáng ý nên Trang nhập tâm ngay và chỉ sau hai ngày thụ giáo cậu đã thuộc lòng
các làn điệu. Trang còn nhận ra một điều là các điệu hò, điệu lý chủ yếu dựa
trên nền thơ lục bát và thế là cậu nảy ra ý định sáng tác một vở ca kịch dựa
theo dân ca Huế.
Nghĩ
là làm, cứ rỗi rãi Trang lại ngồi hý húi ghi chép, gạch xóa. Một tuần sau vở ca
kịch mang tên “Đường dây ai nối” của cậu đã ra đời. Đại để câu chuyện như sau:
đường dây điện thoại giữa tiểu đoàn bộ và đại đội Bốn bị đứt không liên lạc được,
cả hai bên đều cử chiến sĩ đi nối dây. Đúng lúc đó có hai bố con đồng bào Pa Kô
đi rẫy về qua, người bố thì bảo kệ họ, cô con gái thì quyết tâm nối giúp. Sau
khi tranh luận một lúc thì ông bố cũng đồng ý. Họ nối dây xong thì cũng bỏ đi
luôn, hai anh lính thông tin hai đầu chạy lại gặp nhau nhưng không thấy đứt chỗ
nào. Câu chuyện bây giờ quay sang một góc độ khác là tìm xem ai là người nối
dây. Thực ra nội dung của nó không có gì đặc biệt, tình tiết cũng đơn giản…
nhưng cái đặc sắc của nó là được diễn tả bằng dân ca Huế nên Toàn, Nam, Tự đều
rất tâm đắc và quyết định sẽ dàn dựng để tham gia Hội diễn văn nghệ của tiểu
đoàn sắp tới.
Và
đúng là trong Hội diễn đợt đó vở ca kịch “Đường dây ai nối” đã giành giải đặc
biệt. Quản lý Minh đã đảm nhiệm một cách xuất sắc vai cô con gái, mỗi tội giọng
hát giả tiếng con gái chưa đạt lắm. Hợp “vâu” trong vai ông già Pa Kô cũng được,
giống hệt cả ngoại hình lẫn giọng nói. Còn hai vai chiến sĩ do Tự và Nghị đóng
thì không còn gì phải nói nữa, người xem chỉ hơi có ý kiến chiến sĩ Tự điệu
quá. Sau hội diễn tiểu đoàn cũng quyết định sẽ nâng cấp vở này và sẽ đưa đi hội
diễn cấp trên nếu có dịp.
Thấm
thoắt mà về vị trí mới đã gần nửa năm, nhà cửa, lán xe đã tương đối hoàn chỉnh,
ngoài rẫy tăng gia sắn ngô đã lên đến ngang ngực, rau cũng đã cho thu hoạch lứa
đầu. Cuộc sống ở đây đã có cái gì đó mang dáng dấp thời bình trừ vấn đề trực
chiến vẫn được tăng cường.
Giữa
lúc đó có khá nhiều tin vui: tiểu đoàn từ nay sẽ không trực thuộc quân khu Trị
Thiên nữa mà trở về với đội hình của trung đoàn xe tăng 203. Lại được trở về
trong đội hình binh chủng dù sao cũng thấy “ấm áp” hơn, tiêu chuẩn chế độ chiến
sĩ xe tăng được bảo đảm hơn và quan trọng hơn cả là đã bắt đầu thực hiện chế độ
đi phép, đi học. Người đầu tiên của đại đội được đi phép là trung đội trưởng Đậu
Minh Tiến, ông cụ thân sinh ra anh bị ốm nặng. Hôm tiễn anh đi phép trong tâm
khảm ai cũng thầm mong rồi đến lượt mình, dù mới xa miền Bắc hơn một năm nhưng
ai cũng thấy như là đã xa hàng thế kỷ.
Sau
khi đã hoàn chỉnh được doanh trại và các rẫy tăng gia thì công việc tiếp theo cần
tập trung là làm kỹ thuật. Chắc ý định của trên còn lâu mới dùng đến xe tăng ở
chiến trường này nên trung đoàn hạ lệnh phải tổ chức niêm xe ngắn hạn. Thế là
trừ chiếc 380 “sứt môi” do có lắp cẩu phải đi phục vụ sửa chữa còn lại tất cả
phải niêm. Thực ra đó cũng là những công việc thường xuyên của lính tráng một
binh chủng kỹ thuật nên ai cũng tích cực lắm, riêng cái vụ rửa xích là nặng nhọc
nhất và ai cũng ớn.
Để
rửa xích phải đánh xe ra khỏi hầm rồi cắt xích ra thành từng đoạn ngắn khiêng
xuống suối ngâm và cậy cho bằng hết đất đá ra. Sau đó để khô lấy dầu thải bôi
vào trông đen bóng như xích mới. Lúc đó phải chặt lau lách về lót đường rồi nối
lại xong mới cho xe vào hầm như cũ. Mỗi băng xích là 82 miếng, mỗi xe là 194 miếng,
mỗi miếng 12 cân tổng cộng là gần 3 tấn xích một xe. Băng xích được cắt ra mỗi
đoạn 5-6 miếng khiêng xuống suối. Lính tăng vốn khoẻ nên nếu bình thường sẽ chẳng
vấn đề gì nhưng đằng này tên nào cũng đã qua sốt rét vài bận nên đưa được một
đoạn xích xuống suối thằng nào thằng ấy thở cả ra đằng tai. Đại đội quyết định
sẽ tập trung cả trung đội làm dứt điểm cho từng xe.
Mới
sốt rét dậy Trang và Thọ “đen” được ưu tiên ngồi cậy đất và rửa xích. Một cái
tuốc nơ vít sắt để cậy, một cái bàn chải tự tạo bằng tre để cọ hai anh em cứ tẩn
mẩn vừa làm vừa nói chuyện suốt ngày. Việc cọ rửa ở mặt mắt xích thì khá dễ
dàng, riêng cậy đất trong vú xích ra thì không đơn giản tý nào. Sau hàng nghìn
cây số trên đường, đất đá được lèn chặt vào trong hốc lõm của vú xích muốn cậy
ra phải dùng búa đóng vào tuốc nơ vít. Đang lẩn mẩn cậy đất Trang vụt nhổm dậy.
Thọ cứ tưởng có con gì cắn nhưng không phải, cậu ta đứng ngây mặt ra rồi tần ngần
nói:
-
Phí quá! Tại sao lại phải cậy nó đi chứ!
Thọ
ngạc nhiên:
-
Thì phải cậy hết đất đá ra mới niêm được chứ!
Trang
vẫn bần thần:
-
Cậu có thấy không? Trong mỗi cái vú xích nhỏ nhoi này có dấu ấn của khắp mọi miền
đất nước đấy.
Thọ
ngồi im ngẫm nghĩ, cậu thấy Trang có lý. Quả thật, từ khi xuất xưởng đến nay mới
có người cậy đất đá ra nên trong mỗi cái vú xích này chắc chắn có đất đai của tất
cả các vùng quê mà những chiếc xe tăng này đã đi qua, không chừng lại còn đất
đá của nước bạn nữa ấy chứ. Thọ reo lên:
-
Hay! Dấu ấn mọi miền đất nước ở trong một cái vú xích!
Nhưng
nói thì nói vậy, chúng vẫn phải kỳ cạch cậy và rửa cho bằng sạch.
Trong
bảy chiếc xe của đại đội thì sáu cái đã được niêm hoàn chỉnh nằm trong lán
trông như xe mới, riêng cái 380 của Trang vẫn “cóc cáy” vì có lắp cẩu tự tạo
nên phải để làm nhiệm vụ phục vụ sửa chữa trong phạm vi tiểu đoàn .
Hôm
nay, xe 380 nhận nhiệm vụ đi lên chỗ xe 388 bị lật để khảo sát tìm cách khắc phục.
Đã lâu mới ra đường tuyến. Đường đã được nâng cấp lên nhiều lại được chạy ban
ngày, Trang điều khiển chiếc 380 lướt nhanh như như một con chiến mã đang hồi
sung sức xuôi đường 14 về phía Nam sân bay A Lưới. Đại đội phó kỹ thuật Phượng
và tổ thợ do Độ “còi” dẫn đầu ngồi tất trên tháp pháo ung dung ngắm cảnh vì
Trang xử lý giảm xóc tốt lắm. Chưa đầy một tiếng sau xe đã đến chỗ chiếc xe 388
xấu số.
Đây
rồi. Đã hơn một năm trôi qua, chiếc xe 388 vẫn nằm như một con rùa tuyệt vọng bị
lật ngửa lên. Sau một mùa mưa lau lách đã mọc dày xung quanh xe. Cái hố bom oan
nghiệt vẫn toang hoác ngay bên cạnh. Độ chỉ tay về phía một cái gốc cây cụt
cách đó vài chục mét:
-
Mộ của chúng nó để ở chỗ kia kìa!
Mấy
anh em đứng lặng nhìn về hướng tay Độ chỉ, chờ cho cơn xúc động lắng xuống Phượng
bảo:
-
Làm đi các cậu! Trước hết phải phát quang xung quanh, sau đó lôi nó dậy rồi mới
làm tiếp những cái khác được.
Lau
lách nhanh chóng được phát quang. Trang
cho xe lùi vào sát xe 388, cậu đề nghị nối hai cáp và sẽ kéo ngang cho xe lật lại.
Mọi người đều đồng ý vì kéo như thế sẽ có lợi nhất về lực.
Cứ
tưởng rất khó khăn nhưng hóa ra việc kéo lật xe 388 lại khá dễ dàng. Nhờ chọn vị
trí có lợi nhất về lực nên chỉ sau một cú giật của 380 cái 388 đã chuyển mình
và từ từ dựng đứng lên rồi úp sấp lại trong tiếng vỗ tay của tổ thợ.
Nhưng
thật đáng tiếc. Chắc là do bị bom hất lên cao rồi quật xuống nên các cụm máy của
xe 388 đã bị lệch tâm rất nặng mà khả năng của tiểu đoàn không thể khắc phục được
nên Phượng quyết định sẽ tháo tất cả những gì có thể tháo được đem về làm khí
tài dự trữ.
Lúc
tổ thợ đang làm việc thì Phượng và Trang lò mò đến chỗ cái gốc cây cụt ngọn. Ở
đó chẳng còn gì hết ngoài một bãi đất nham nhở những hố bom và lau lách. Hơn một
năm đã qua, biết bao trận không kích của B52 và máy bay các loại đã dội xuống
chỗ này. Tưởng rằng bốn đồng đội của các anh đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây nào
ngờ cũng không được yên ổn. Móc bao thuốc lá còn một điếu cuối cùng, Trang châm
lửa rít một hơi rồi cắm xuống miệng hố bom thay cho nén hương thắp cho bốn người
đồng đội.
Đứng
lặng một hồi hai anh em quay về xe, chẳng ai nói với ai một câu nào.
Xe 380 đi phục vụ sửa chữa |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét