Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

BÃO THÉP 2- ÁP THẤP ĐƯỜNG SỐ 9- Kỳ 2



Mặc dù khoảng cách chỉ chưa đầy hai trăm ki- lô- mét mà phải mất hơn mười ngày đêm đại đội 9 mới đến chân dốc Con Mèo- con dốc nằm trên biên giới Lào- Việt để chuẩn bị về Việt Nam.
          Đứng ở mỏm núi phía đối diện nhìn lên dốc Con Mèo tiểu đoàn trưởng Tân gật gù nói với mấy cán bộ dưới quyền:
          - Các ông thấy không, cái dốc này có khi còn hiểm trở hơn cả Cổng Trời ấy nhỉ?
          Mấy anh em cùng lặng im ngước nhìn: trước mặt họ là một dãy núi đá chập chùng cao ngất, những cái đỉnh nhọn hoắt thấp thoáng ẩn hiện trong mây mù. Trên cái nền xám ngắt ấy nổi bật lên một vệt trắng loang lổ, nham nhở của đất đá bị bom đạn cày xới ngày đêm kéo dài từ tận chân núi lên đến hút tầm mắt. Len lỏi theo cái dải bạc phếch đó chính là con đường B45 ngoằn ngoèo như một sợi chỉ mỏng manh sẽ đưa các anh về đất Việt Nam trong đêm nay. Trên nền trời xanh ngắt của mùa khô Lào chiếc máy bay OV10 mỏng mảnh như một thứ đồ chơi đang lừ lừ bay dọc theo con đường thả vào không trung cái âm thanh vè vè cực kỳ khó chịu.
          Đại đội phó kỹ thuật Vĩnh là người lên tiếng đầu tiên:
          - Tôi cho rằng con dốc này phải cao trên một nghìn mét, mà với chất đất thế này thì chắc chắn là hiểm trở hơn Cổng Trời rồi.
          Đại đội trưởng Nghi bổ sung:
          - Cổng Trời còn gần miền Bắc, đường sá còn được tu sửa thường xuyên chứ ở đây      tôi nghĩ chắc không thể được như vậy.
          Tân gặng:
          - Thế theo các ông liệu ta có thể vượt được nó trong một đêm được không?
          Vĩnh cười mà như mếu:
          - Không được thì cũng phải cố cho bằng được chứ anh bảo trống hơ trống hoác thế kia mà phải nằm lại thì giấu xe ở đâu?
           Lê Văn Giỏ vừa mới được bổ nhiệm làm chính trị viên thay Tú đã hy sinh thông báo:
          - Báo cáo thủ trưởng và các anh, tôi được công binh cho biết là dốc này dài chưa đến hai mươi cây, trong đó chỉ có chiều bên này lên là dài và khó đi thôi còn bên kia thì lại rất ngắn và ít dốc nên có thể vượt qua được trong một đêm.
          Tiểu đoàn trưởng Tân kết luận:
          - Vậy thì anh Vĩnh cho kiểm tra lại tình trạng kỹ thuật nhé, cố gắng không để xảy ra tụt lùi, đứt xích, trật xích trên dốc. Còn anh Nghi thông báo cho các trung đội cho anh em ăn cơm sớm. Căn cứ tình hình ta cho xuất phát càng sớm càng tốt.
          Không ai ngờ là con đường còn hiểm trở hơn cả những gì mà mấy anh em họ tưởng tượng ra. Mặt đường chỉ rộng vừa hai băng xích, hàng trăm cái cua tay áo lớn nhỏ mà mỗi khi đi qua đó có cảm tưởng như mũi xe đã chờm hẳn ra miệng vực. Tin vào tay lái và khả năng xử trí của Cân nên hôm nay xe 567 được đại đội phó Vĩnh phân công đi cuối đội hình. Đêm giữa tháng Hai âm lịch nên trăng khá sáng. Dưới ánh trăng khi tỏ, khi mờ nhiều lúc Cân nhìn rõ những khối đất đá lăn ào ào xuống vực dưới vòng xích lăn của xe đi trước mà phát ớn.
          Mới đi được chừng một phần ba dốc thì thằng AC130 đã mò ra. Nó lừ lừ bay dọc con đường và ung dung nghiêng ngó. Vì đang ở trên dốc không thể phát huy tốc độ nên Nghi lệnh cho các xe ép sát vào ta luy dương để tránh, còn tất cả thành viên chui vào trong xe đóng chặt cửa. Sau hai vòng nghiêng ngó thằng AC130 bắt đầu bắn, đầu tiên là 20 ly, sau đó nó chuyển sang cối 40 ly. Có vẻ như địa thế này cũng bất lợi cho việc ngắm bắn nên đạn chủ yếu trúng vào mái ta luy. Chắc bọn trên máy bay không hiểu những mục tiêu mà nó bắn phá là cái thứ gì mà không có đám lửa nào bùng lên cả. Khoảng mười lăm phút sau nó lừ lừ bay về phía nam. Đoàn xe tăng lại tiếp tục lên đường.
          Càng lên cao đường càng khó đi. Nhiều đoạn tất cả người trên xe phải xuống đi bộ, trưởng xe phải xuống đi trước đầu xe để chỉ huy. Nhiệt độ dầu, nhiệt độ nước làm mát cứ tăng vù vù. Mặc cho cái rét tháng Hai và những làn hơi lạnh từ trên nuí tỏa xuống lưng áo Cân vẫn ướt đẫm mồ hôi, cậu căng mắt nhìn đường và thận trọng sử dụng hai cần lái để điều khiển xe đi cho đúng tim đường.
          Lại đến một đoạn khó đi. Cân dừng xe cho mọi người xuống. Đại phó Vĩnh cùng mấy anh em đi bộ vượt lên trước, còn Nhã thì khoác một mảnh dù trắng đứng trước đầu xe. Anh hỏi to:
          - Nhìn rõ không?
          Cân cũng gào lên át cả tiếng máy nổ:
          - Nhìn rõ rồi. Đi đi!
          Nhã quay người lại, anh từ từ bước cách mũi xe chừng năm, sáu mét. Cân vừa nhìn đường vừa nhìn vào cái bóng trắng của nhã để điều khiển xe. Gì chứ việc này thì cậu đã quá quen rồi.
          Một cái cua tay áo hiện ra trước mặt. Cân giữ chân dầu thật ổn định ở mức thấp nhẹ nhàng cho xe vào cua. Nhích từng tý một cho đến khi đầu xe đã chờm ra ngoài mép vực và mũi xe bên trái đã qua khỏi tảng đá lớn chìa ra từ ta luy dương thì Cân nhẹ nhàng kéo cần lái trái. Mũi xe đã bắt đầu nhích sang trái, Cân hơi tăng chân dầu để tăng lực kéo động cơ. Bỗng cậu cảm thấy băng xích bên phải hẫng đi một cái. Chiếc xe lạng đi và dệ xuống. Một cảm giác lạnh buốt chạy dọc sống lưng. Cân giật mạh hai cần lái về vị trí sau cùng rồi thụp đầu xuống ôm chặt lấy hai cần lái phó mặc cho may rủi.
          Nhưng chiếc xe đã khựng lại. Ma sát của bụng xe với mặt đất cùng với những níu kéo tuyệt vọng của băng xích bên kia đã giữ nó lại trong tích tắc cuối cùng. Bây giờ nó nằm chênh vênh trên miệng vực, thân xe nghiêng hẳn đi. Có cảm tưởng chỉ cần đẩy khẽ một cái là chiếc xe sẽ lăn luôn xuống.
          Đang đi phía trước Vĩnh chợt nghe tiếng đất đá lở ào ào phía sau anh đoán ngay là có sự cố. Quay lại, nhìn chiếc xe đang nằm chênh vênh trên miệng vực thẳm anh hết cả hồn. Vĩnh vội bảo Hòa:
          - Chạy lên bảo hai xe phía trước dừng lại đợi! Nhanh lên!
          Từ trong xe Cân đang khó nhọc chui ra vì độ nghiêng thân xe quá lớn. Bám lấy nòng pháo cậu nhô người nhìn xuống phía dưới, không thấy gì cả ngoài một màu đen ngòm và sâu hun hút. Bát giác Cân rùng mình: “nếu nó mà lăn xuống chắc là mình thịt nát, xương tan”. Mấy chiến sĩ công binh hộ tống phía sau cũng đã lên đến nơi. Họ xì xầm:
          - May thế! Chỉ một tý nữa thì lăn hàng trăm vòng chứ không ít.
          Vĩnh đã quay lại trước đầu xe, anh cúi xuống bấm đèn pin nghiêng ngó: có lẽ do mỗi xe đi trước làm lở xuống một ít đất đá nên đến xe này mép đường bên phải không còn chịu được trọng lượng của xe đã làm cho xe bị dệ. Rất may là khi bụng xe sệt xuống mặt đất và những mắt xích bên kia cày xuống đât đá mặt đường đã hãm lại đà trượt của chiếc xe. Anh ôn tồn bảo Cân:
          - Cứ yên tâm! Tớ sẽ cho xe kia quay lại kéo bây giờ.
          Nói thì nói vậy chứ đầu óc Vĩnh đang rối cả lên. Với sự cố này ở chỗ khác chỉ cần một xe kéo khẽ một cái là lên. Nhưng ở đây thì không được. Chỉ cần một chút sơ sảy, chỉ cần cái bờ đất kia lở thêm một chút, chỉ cần cái hòn đá mà băng xích bên phải kia đang bấu víu sứt đi một mẩu… chiếc xe này sẽ rơi xuống và lúc ấy có trời mới biết được điều gì sẽ xảy ra. Giá như địa thế cho phép anh sẽ cho một xe cố định và một xe kéo, còn ở đây thì không thể. Nhưng cũng không thể không kéo, để chiếc xe này nằm lại đây cả ngày thì bằng “cống”cho lũ giặc trời.
          Từ phía trước Tân, Nghi đã quay lại. Cả ba chụm đầu bàn bạc một lúc, cuối cùng Tân kết luận:
          - Kiểu gì cũng phải kéo nó lên! Ông Nghi chỉ huy cho hai xe kia lùi lại đây. Còn ông Vĩnh nghiên cứu xem có cách nào bảo đảm nhất thì làm.
          Vĩnh nhắm mắt lại vận dụng tất cả những kiến thức và kinh nghiệm mà anh có được để tìm ra giải pháp tốt nhất. Cuối cùng anh đi đến quyết định sẽ cho hai xe kéo một lúc, một xe móc cáp ở phía trước, một se móc cáp ở phía sau xe này. Như vậy chính cái cáp móc vào phía sau sẽ có tác dụng cố định không để xe 567 tiếp tục trượt về bên kia. Anh trình bày với Tân, Tân gật:
          - Cũng phải liều thôi!
          Vĩnh cho hai xe lùi sát lại đầu xe 567, huy động thêm cáp từ mấy xe trước đem nối vào và cho căng cáp. Xong xuôi đâu đấy anh hỏi Cân:
          - Cậu còn lái được không?
          Đã bình tĩnh lại, nay lại nhìn thấy phương án cứu kéo của đại phó Vĩnh tương đối chắc chắn nên Cân bình tĩnh đáp:
          - Báo cáo, được ạ!
          Vĩnh vỗ về:
          - Thế thì lên đi! Cứ bình tĩnh nhé! Khi nào thấy tớ ra hiệu tiến thì mới thả hai cần lái đấy. Còn nếu không may nó tiếp tục dệ thì cũng cứ yên tâm, không rơi được đâu.
          Thật may, thềm đất bên mép vực không bị lở thêm nữa, chiếc xe từ từ bò lên mặt đường trong tiếng vỗ tay lộp độp của tất cả mọi người có mặt. Vĩnh thở phào nhẹ nhõm. Lúc đó đã là ba giờ sáng.
          Thêm gần hai tiếng nữa thì họ lên đến đỉnh dốc. Đúng như Giỏ thông báo, chiều xuống của nó rất ngắn nên khi những tia nắng ban mai đầu tiên hé rạng thì cả đại đội đã xuống đến chân dốc bên kia. Trước mặt họ một bình nguyên trải dài hun hút về phía nam. Đó chính là thung lũng A Sầu- A Lưới.
          Thêm một đêm hành quân nhẹ nhàng nữa họ đã đến điểm hẹn tại sân bay A Lưới. Khí thế toàn đại đội lên cao hừng hực: “chả mấy nữa họ sẽ đến với thành phố Sông Hương- Núi Ngự”. Tuy nhiên phái viên của mặt trận Trị Thiên đã đón sẵn ở đó và thông báo rất ngắn gọn: “đường về Huế chưa thông, các đồng chí cứ nằm đây đợi đã”. Những gương mặt đang hớn hở bỗng tiu nghỉu như bị dội một gáo nước lạnh.
          Chẳng còn biết làm gì hơn cả đại đội lầm lũi theo người dẫn đường vào giấu quân ở chân một ngọn đồi nằm ngay phía bắc sân bay A Lưới, cách đường tuyến chừng vài trăm mét.
           
           ***

          A Sầu- A Lưới là một thung lũng nằm ở độ cao tám trăm mét so với mực nước biển, có chiều dài hơn ba chục ki- lô- mét và chiều ngang chỗ rộng nhất chừng bốn ki- lô- mét. Nó được bao bọc xung quanh bởi những dẫy núi cao như Động Ngài, A Ngo và A Bia… Chỉ cách Huế chưa đầy bốn mươi ki- lô- mét theo đường chim bay, cách biên giới Việt- Lào chưa đến mười ki- lô- mét, lại trấn giữ con đường huyết mạch Đông Trường Sơn nên A Sầu- A Lưới có một vị trí chiến lược quan trọng. Vì vậy, ngay sau khi lên nắm quyền Ngô Đình Diệm đã cho xây dựng ở đây một tiền đồn biên phòng của lực lượng đặc biệt ngụy. Những năm 60 lực lượng ở đây được tăng cường và thường xuyên có cố vấn Mỹ cũng như lực lượng đặc biệt của Mỹ tham gia trú phòng. Chúng đã xây dựng ở đây hai sân bay quân sự dã chiến là sân bay A Lưới ở phía bắc và sân bay A Sầu ở phía nam. Từ đây chúng tung những toán thám báo, biệt kích sang Lào và ra phía Bắc hoạt động do thám, phá hoại các tuyến đường vận chuyển của ta. Năm 1966 ta đã tiêu diệt tiền đồn biên phòng của liên quân Việt- Mỹ và làm chủ thung lũng A Sầu- A Lưới. Từ đó thung lũng này trở thành một căn cứ quan trọng để ta tiến hành các hoạt động quân sự ở tây- nam Huế và khai thông con đường vận chuyển đông Trường Sơn. Cũng từ đó nó trở thành một trọng điểm đánh phá của Mỹ- ngụy. Hàng chục ngàn tấn bom đạn, hàng triệu lít chất độc hóa học đã được thả xuống nơi đây để biến cái thung lũng xanh tươi này thành một “thung lũng chết”. Những cánh rừng đại ngàn giờ chỉ còn để lại dấu tích bởi những thân cây hàng chục người ôm đang vươn những cành cây trơ trụi không một chiếc lá lên trời như muốn cầu xin sự cứu vớt của đấng tối cao. Cả thung lũng giờ đây chỉ còn lau lách và ít cây non mới tái sinh bên cạnh những hố bom nham nhở. Đó là nơi trú quân của đại đội 9.
          Không xuống được Huế người buồn nhất trong đại đội là Cân. Đối với “cậu tú” Huế từ lâu đã thành một địa danh quen thuộc trong tâm tưởng.  Đơn giản chỉ vì thày chủ nhiệm của cậu chính là một người gốc Huế tập kết ra Bắc. Thày không chỉ dạy cho học sinh biết về Huế qua các bài học trong chương trình mà còn thông qua những câu chuyện về mảnh đất, con người nơi đây truyền đến cho mỗi học sinh lòng yêu mến quê hương đến vô bờ của mình. Vì vậy khi biết sẽ được tăng cường cho lực lượng quân giải phóng đang làm chủ Huế Cân đã như mở cờ trong bụng, cậu chắc mẩm chỉ ngày một ngày hai sẽ được đến với vùng đất Cố đô xinh đẹp và thơ mộng này.
          Nhưng rồi cũng chẳng có thời gian mà gặm nhấm nỗi buồn. Vừa vào đến vị trí giấu quân cả đại đội lại xoay trần ra đào hầm, đào hố và củng cố xe pháo. Mặc dù đã được người anh em đại đội 3 bổ sung một trung đội và nhường cho chút khí tài dự bị cuối cùng song sau hơn hai trăm ki- lô- mét đường cực kỳ hiểm trở, qua hàng chục trọng điểm như Dốc Đá, Dốc Mèo... đã làm cho bộ phận hành động xuống cấp nặng nề.
          Lại những thứ công việc vô cùng nặng nhọc và nhàm chán nhưng không thể không làm: đó là đào hầm và củng cố xe cộ. Có điều may là đất ở đây khá mềm và ít lẫn đá nên đỡ vất vả. Chừng hơn một tuần tình hình khu vực trú quân đã tạm ổn.

          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét