Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2017

BÃO THÉP 1- CƠN LỐC ĐẦU MÙA- Kỳ 26


Hơn mười một giờ đêm, sương mù từ mặt sông đã tràn cả lên đồi mang theo cái lạnh se sắt. Bầu trời đêm ba mươi đen kịt thỉnh thoảng lại ửng lên một chút bởi những chùm pháo sáng của bọn địch ở Làng Vây bắn lên. Thỉnh thoảng một cơn gió mạnh thổi dọc theo triền sông làm đám cỏ tranh rạp mình rên lên ràn rạt. Từng tốp ba, bốn người một đang lặng lẽ đi về phía xe đại đội trưởng Nghi. Không một ánh lửa, không một chớp đèn pin, trông họ như đang bơi trong bể sương mù đặc quánh.  
Khoảng đất trống cạnh xe đại đội trưởng được dùng làm nơi tập trung đón giao thừa của đại đội. Một mảnh bạt được căng từ khẩu 12 ly7 ra trùm lên tháp pháo. Một bóng đèn 0,5 oát câu từ trong xe ra được gắn sát vào mặt dưới tấm bạt, đảm bảo từ trên nhìn xuống hoặc từ xa nhìn về sẽ không thấy gì. Ánh sáng ngọn đèn tuy yếu ớt nhưng cũng đủ soi tỏ tấm ảnh Bác Hồ đặt ngay ngắn cạnh ngôi sao trên thành tháp pháo. Phía trước ảnh Bác là một đĩa bánh kẹo thay cho mâm ngũ quả và một vỏ hộp sữa bột cắm mấy cành hoa dại không ai biết tên gọi là gì. Bàn thờ Tổ quốc tuy giản dị nhưng ai nhìn vào cũng thấy rung lên trong lòng một cảm giác thật là khó tả.
Sắp đến giao thừa chính trị viên phó Giỏ tập trung bộ đội ngồi thành hình chữ U hướng về ảnh Bác. Anh phổ biến:
- Thưa toàn thể các đồng chí! Đêm nay đại đội ta tập trung đón giao thừa tại đây. Do điều kiện đang trú quân gần địch chương trình đón giao thừa của chúng ta chỉ gồm các nội dung sau: trước hết chúng ta cùng liên hoan và nghe ca nhạc của đài tiếng nói Việt Nam. Tiếp theo chúng ta nghe Bác Hồ chúc Tết. Cuối cùng là nghe đồng chí chính ủy binh chủng phát biểu ý kiến và chúc Tết đơn vị. Tôi thống nhất một số quy định sau: một là không ai được hút thuốc tại đây. Hai là phải giữ tuyệt đối im lặng, không nói to, cũng không vỗ tay. Ba là khi có báo động tất cả phải nhanh chóng cơ động về xe để đảm bảo sẵn sàng chiến đấu. Ngày mai chúng ta nghỉ, đại đội tổ chức thi đấu cờ tướng. Mỗi trung đội và “xê bộ” cử hai đồng chí tham gia, địa điểm tại hầm xe đại đội trưởng. Các đồng chí rõ cả chưa?
Tiếng trả lời đồng thanh nhưng gằn xuống nghe trầm trầm, đục đục:
- Rõ!
Giỏ quay xuống phía hầm sinh hoạt của xe đại đội trưởng mời chính ủy và các đại biểu ra. Chính ủy Ngọc đi đầu, ông vừa đi vừa giơ một tay lên vẫy vẫy. Một vài tiếng vỗ tay lẹt đẹt nổi lên nhưng ngay lập tức bị những tiếng “suỵt, suỵt” nhắc nhở. Đợi cho các đại biểu ngồi xuống ngay sát băng xích Giỏ tiến lại phía chiếc đài Li- do đặt trên một cái hòm đạn ở giữa vòng người, anh cúi xuống bật công tắc. Một giọng hát trong vắt cất lên: “Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về...” Giỏ lúi húi chỉnh âm lượng, tiếng hát rõ dần nhưng cũng chỉ đủ nghe.
Hết bài hát này đến bài hát khác, những giai điệu ngọt ngào ca ngợi đất nước, quê hương, ca ngợi Đảng, Bác Hồ vang lên làm say đắm con tim những người lính trẻ. Tất cả lặng im thả hồn theo tiếng hát, nhiều cánh tay đưa lên quệt ngang mắt. Không khí chỉ hơi ồn lên một chút khi hai chiến sĩ của “xê bộ” bưng ra hai đĩa hai ngăn đựng đầy kẹo. Các cậu đi phía trước hàng quân để chia kẹo. Chính trị viên phó Giỏ nói khẽ:
- Đây là quà của Bộ tư lệnh tặng đại đội ta đón giao thừa. Mỗi người chỉ được hai cái thôi đấy nhé!
Cậu lính trẻ bưng đĩa kẹo đến trước xe 567, Nhã nhặt lấy tám chiếc kẹo rồi quay lại chia cho mỗi người hai cái. Hòa và Thắng bóc ngay bỏ tọt vào mồm nhai ngấu nghiến, Cân thì nhẹ nhàng đặt viên kẹo vào đầu lưỡi và mút rất chậm rãi như tận hưởng từng chút một vị ngọt ngào và mùi thơm ngào ngạt của chiếc kẹo đã vượt qua muôn trùng gian khó để đến với các anh. Riêng Nhã không ăn, anh bỏ hai cái kẹo vào túi ngực.
Đã sát đến giờ giao thừa. Chương trình ca nhạc đã tạm ngừng. Có vẻ như tất cả đang nín thở để đợi chờ phút giao hòa thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới. Cả gió hình như cũng đã ngừng thổi. Chợt từ chiếc đài tiếng pháo rộ lên. Hàng quân hơi xao động, một vài cánh tay đã giơ lên định vỗ nhưng kịp dừng lại rồi thõng xuống đầy tiếc nuối. Chính ủy Ngọc ngước nhìn lên, từ phía Làng Vây hàng chục quả pháo sáng được bọn lính bắn lên làm hửng sáng cả một góc trời. Ông lẩm nhẩm cầu chúc cho một năm mới tươi đẹp hơn đến với toàn dân tộc cũng như cho mỗi gia đình.  
Tiếng pháo rộ lên rồi tắt hẳn. Phát thanh viên giới thiệu Bác Hồ chúc Tết. Tất cả lặng đi. Từ chiếc đài một giọng nói xứ Nghệ trầm ấm, thân thuộc vang lên. Tất cả nín thở như nuốt lấy từng lời:
                   “... Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua
                   Thắng trận tin vui khắp mọi nhà.
                   Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
                   Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”
Một vài tiếng vỗ tay nổi lên. Lại những tiếng “suỵt, suỵt” nhắc nhở. Cân lặng người đi, cậu lẩm nhẩm:
- “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!” Hay quá! Hào hùng quá!
Đợi cho tiếng ồn lắng xuống Giỏ giới thiệu chính ủy Ngọc lên phát biểu.
Từ từ đứng dạy chính ủy Ngọc hít một hơi dài không khí lạnh vào đầy lồng ngực. Ông muốn nén cái cảm giác kỳ diệu vừa trỗi dạy trong lòng mình xuống. Đã được nghe người Cha Già dân tộc đọc thơ chúc Tết nhiều lần nhưng chưa khi nào ông thấy trong lòng xúc động như hôm nay. Câu thơ cuối cứ lặp đi, lặp lại mãi trong đầu ông như một điệp khúc đầy hào sảng. Ông những muốn truyền tất cả những rung động của lòng mình đến những người chiến sĩ trẻ đang ngồi lặng phắc trước mặt mình. Rất chậm rãi chính ủy Ngọc cất lời:
- Thưa toàn thể các đồng chí! Chúng ta đang ở trong những thời khắc vô cùng thiêng liêng, thời khắc giao hòa giữa trời đất với con người, thời khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới. Lẽ ra chúng ta đang được quây quần bên gia đình, bè bạn để đón một năm mới đến trong tiếng pháo và lời ca. Thế mà chúng ta lại đang ở đây đón một cái Tết không bánh chưng xanh, không thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Một giao thừa không pháo, không ánh sáng, không tiếng hát lời ca. Đến cả một tràng pháo tay cũng không được vỗ- Giọng chính ủy Ngọc như nghẹn lại, ông dừng một lát rồi bất ngờ cao giọng- Nhưng có phải chúng ta muốn vậy đâu. Chính kẻ thù đã bắt chúng ta phải như vậy. Song tôi tin rằng vào chính cái đêm giao thừa đặc biệt này tất cả chúng ta sẽ cảm nhận đầy đủ hơn nỗi đau của một dân tộc chưa được hoàn toàn độc lập, tự do. Sẽ cảm thông hơn với hàng triệu đồng bào ta đang rên xiết dưới gót sắt quân thù. Vì vậy chúng ta cũng thấy rõ hơn rằng để có những cái Tết bình yên, để có những tháng năm hạnh phúc chúng ta chỉ có một con đường duy nhất đó là đánh đuổi chúng đi. Đúng như lời hiệu triệu của Bác Hồ kính yêu mà chúng ta vừa được nghe: “Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ. Tiến lên toàn thắng ắt về ta”- Ông dừng lại một chút như để lắng cơn xúc động trong lòng rồi ngẩng cao đầu- Trong thời khắc thiêng liêng này, thay mặt thủ trưởng Bộ tư lệnh tôi xin gửi đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ đại đội 9 nói riêng và đoàn 198 nói chung lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất. Chúc các đồng chí một năm mới dồi dào sức khỏe, đoàn kết chặt chẽ, khắc phục khó khăn để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao mà trước mắt là đánh thắng trong trận Làng Vây sắp tới.
Mấy cánh tay giơ lên định vỗ nhưng rồi kìm lại được. Chính trị viên Tú bước lên hướng về phía chính ủy Ngọc và đoàn phái viên trang trọng:
- Kính thưa đồng chí chính ủy! Kính thưa các thủ trưởng! Thưa toàn thể các đồng chí! Thay mặt cán bộ, chiến sĩ đại đội 9 tôi xin cảm ơn đồng chí chính ủy và các thủ trưởng đã đến với chúng tôi trong thời khắc đặc biệt này. Xin cảm ơn những lời chúc mừng tốt đẹp của chính ủy dành cho đại đội 9. Chúng tôi cũng xin kính chúc chính ủy và các thủ trưởng luôn mạnh khỏe, thường xuyên sâu sát chỉ đạo, giúp đỡ chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Nhân dịp này chúng tôi xin hứa: cán bộ chiến sĩ đại đội 9 sẽ đoàn kết chặt chẽ, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Anh quay lại, chính ủy Ngọc đưa cả hai tay bắt tay người chính trị viên trẻ tuổi. Vẫn cầm tay Tú ông chợt cao giọng:
- Đến lúc này tôi được phép thông báo với các đồng chí một tin quan trọng. Vào đêm nay, vào đúng thời điểm này một trận tổng tiến công với quy mô lớn đã xảy ra trên khắp chiến trường miền Nam. Để đảm bảo đánh thắng địch cấp trên đã giao cho mặt trận Đường Chín- Khe Sanh chúng ta nhiệm vụ nghi binh chiến lược nhằm thu hút và giam chân một lực lượng lớn của địch ở ngoài này. Bước đầu chúng ta đã thực hiện được điều đó, trong đó đại đội 3 của đoàn 198 cũng đã góp phần làm nên chiến thắng tại Huội San một tuần trước đây. Còn nhiệm vụ trước mắt của các đồng chí cũng như toàn mặt trận là tiếp tục đánh mạnh hơn nữa- Ông chém mạnh tay vào không khí-  Trong đánh ra, ngoài đánh vào, chúng ta không cho địch rảnh tay đối phó và có thể tin rằng ngày toàn thắng đang tới rất gần.
Tất cả hơi ồn lên vì thông tin này quá bất ngờ. Chính ủy Ngọc vẫy vẫy tay và trở về chỗ ngồi. Chính trị viên phó Giỏ thì thầm gì đó với ông rồi đứng lên tuyên bố:
- Buổi liên hoan đón giao thừa của chúng ta kết thúc tại đây! Xin kính mời các thủ trưởng và các đồng chí về nghỉ.
Đến lúc này cánh lính trẻ mới tụ lại từng tốp chúc Tết nhau. Những cái bắt tay. Những lời chúc như tiếng thì thầm. Những tiếng cười bị nén lại cứ khùng khục trong cổ họng. Mãi một lúc sau họ mới tản đi về các ngả.

***

Vừa về đến xe Cân đã chui vào hầm xòe bật lửa châm cái đèn bé tẹo làm bằng hộp thịt lên. Ngọn lửa leo lét soi sáng căn hầm chật hẹp nhưng khá ấm cúng. Cậu khẽ khàng cắm cành lộc vừa hái trên đường về vào bên cạnh bó hoa dại. Lúc chập tối tranh thủ chưa đến giờ đón giao thừa Cân đã đốc thúc Hòa và Thắng cùng cậu trang trí căn hầm, cậu bảo: “dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải đón Tết cho đàng hoàng”. Thế là bốn cái tăng được moi ra căng lên vách hầm. Phía đối diện với cửa ra vào Cân giăng một sợi dây sát bụng xe rồi vắt lên đó tấm vỏ chăn bộ đội làm phông. Trên đó cậu đính lá cờ của xe lên. Ngay dưới ngôi sao vàng là tấm ảnh Bác được bóc ra từ cuốn sổ tay cậu được thưởng trong kỳ hội diễn năm ngoái. Phía dưới là một bó hoa dại cắm trong hộp sữa bột bây giờ được bổ sung bởi một cành lộc mà Cân hái về. Hai bên lá cờ là đôi câu đối viết bằng thuốc đỏ trên mấy tờ giấy học sinh chắp lại với nhau trông khá nổi. Kiểu chữ triện tròn hơi cầu kỳ nhưng không khó khăn lắm cũng đọc được hai hàng chữ: “Đinh Mùi qua thiết giáp ra quân; Mậu Thân đến xe tăng đánh thắng”. Thực ra đôi câu đối này bật ra rất bất ngờ trong đầu Cân lúc chiều nay khi nghe mọi người bàn tán về trận đầu ra quân của đại đội 3 hôm 25 tháng Chạp vừa qua, lại nghĩ đến trận đánh mà đại đội mình sắp tham gia trong đầu năm mới. Kể ra cũng chưa thật chỉnh lắm nhưng cũng tạm được. Giờ đây cậu ngồi tựa lưng vào vách hầm ngắm nhìn công trình của mình với vẻ mặt rất ư là mãn nguyện.
Hòa đen phụ trách hậu cần của xe nên mọi tiêu chuẩn Tết cậu đang quản lý cả. Từ lúc về Hòa chui tọt vào xe chẳng biết để làm gì, chợt thấy tiếng cậu ta vọng ra từ cửa an toàn:      
- Thắng đâu! Đỡ lấy này!
Thắng ngỏng cổ lên cửa an toàn và cẩn thận đỡ lấy đĩa kẹo Hòa đưa xuống đặt vào giữa hầm. Vừa chui từ xe xuống Hòa đã tuyên bố ngay:
- Nào! Bây giờ xe mình liên hoan mừng năm mới nhé!
Chẳng đợi câu thứ hai Thắng đã vớ ngay một cái bóc ra bỏ tọt vào mồm nhai rau ráu. Nhã nhắc:
- Mỗi cậu ăn một hai cái thôi. Còn để mai tiếp khách chứ!
Hòa lẩm bẩm:
- Làm gì có khách khứa nào! Cứ ăn đi!
Dứt lời cậu ta bóc một cái nhai ngon lành và đưa cho Cân một cái. Nhìn vẻ mặt trầm tư của Nhã Hòa trêu:
- Sao không ăn đi? Lại nhớ vợ hả?
Nhã cười hiền lành:
- Ai chả nhớ! Không biết bây giờ Hiền đang làm gì?
Nghe Nhã nhắc đến Hiền, Hòa bỗng thoáng nhớ về Thu. Trong chặng dừng chân trước khi vượt biên giới sang đất Lào cậu đã viết một bức thư dài về cho Thu nói hết mọi chuyện, cậu khuyên Thu không nên chờ đợi mình mà hãy đi tìm một tình yêu khác. Từ đó đến nay cả xe cũng không ai nhắc đến chuyện ấy nữa. Nhưng trong thời khắc đặc biệt này cậu lại thoáng nhớ về người con gái xinh đẹp, dịu hiền nơi xóm nhỏ ngoài kia. Nhưng rồi cậu lắc mạnh đầu như xua đuổi ý nghĩ đó đi, mọi chuyện đã qua rồi. Trong lúc đó  Thắng vẫn vô tư:
- Chắc chị ấy lại đang thức trông nồi bánh chưng!
Nhã trầm nét mặt:
- Dạo vừa rồi dồn hết vào đám cưới tớ, chẳng biết có còn gì mà gói bánh hay không?
Cân vẫn đang nhai nhỏ nhẻ góp chuyện:
- Chắc thế nào hợp tác xã chẳng có gạo nếp và thịt lợn để chia. Ở quê tớ năm nào cũng thế, nhà nào nghèo đến đâu thì nghèo nhưng Tết đến vẫn phải có đủ thứ.
Nhã lại cười hiền lành:
- Thì cũng mong như thế- Chợt anh thay đổi nét mặt- Thế nếu ở nhà bây giờ các cậu làm gì?
Thắng láu táu:
- Chắc chắn là em phải đi gánh nước rồi. Làng em có cái giếng cổ nghe nói từ thời vua Hùng. Cứ sau giao thừa là cả làng lại ra gánh nước ở đó về để lấy may. Vui lắm các anh ạ.
Nhã gật đầu:
- Ở đấy có cái tục lệ hay nhỉ. Thế còn Cân?
Cân tủm tỉm:
- Chắc là tớ đang phải mài mực hầu ông nội. Giờ này là giờ ông tớ khai bút đầu năm mà.
Cả Hòa và Thắng cùng ngơ ngác:
- Khai bút là thế nào?
Cân cười:
- Tớ cũng chẳng biết ý nghĩa của nó thế nào nhưng năm nào cũng vậy. Cứ đón giao thừa xong là ông tớ khăn áo chỉnh tề ngồi khai bút. Năm thì làm một bài thơ rõ dài, năm thì ngồi mãi mà viết được độc một chữ. Những lúc ấy cả nhà cứ nem nép không ai dám to tiếng.
Nhã ra vẻ hiểu biết:
- Đó là một cái nếp rất hay của các cụ đồ đấy mà. Thế hôm nay cậu đã khai bút chưa? Có được bài thơ nào không?
Cân cười bẽn lẽn:
- Thì đang ngồi đây cả khai làm sao được. Nhưng... vừa ngồi nghe bài thơ chúc Tết của bác Hồ tớ cũng nảy ra mấy vần nhưng có lẽ phải chỉnh sửa thêm.
Cả xe nhao nhao:
- Cứ đọc đi! Lúc nào rỗi thì sửa sau cũng được.
Cân vẫn nhỏ nhẹ như thường ngày:
- Thế thì các cậu nghe rồi góp ý cho tớ nhé- Cậu hắng giọng, mắt nhìn lên gầm xe nhưng cứ như đang nhìn về một nơi nào xa lắm rồi từ tốn đọc- Xuân này không pháo, cũng không hoa; Không bánh chưng xanh, vắng lời ca; Chỉ một niềm tin theo lời Bác; Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta! 
Ba thính giả bất ngờ vỗ tay lộp bộp. Nhã khen:
- Hay thế còn gì nữa. Giá có báo tường xe ta chắc lại được nhất- Quay sang phía Hòa anh hỏi- Thế còn Hòa, giờ này cậu làm gì?
Hòa đắc chí:
- Chắc là tớ đang dẫn một đàn trẻ con đi xông nhà. Các cậu cứ chê tớ đen đủi chứ ở quê mọi người thích tớ xông nhà lắm. Họ bảo năm nào tớ xông nhà thì cả nhà khỏe mạnh, làm cái gì cũng băng băng. Đi từ giao thừa đến sáng thế nào tớ cũng được mừng tuổi một túi to tiền xu, tha hồ mà đánh đáo. 
Hòa lại chia kẹo cho mọi người. Nhưng rồi chợt nghĩ ra điều gì đó cậu cất cái đĩa ra sau lưng:
- Mỗi người một cái này nữa thôi nhé! Phải để dành lúc nào vào cho bọn trẻ trong bản. Các cậu không biết chứ, chúng nó khổ lắm. 
Nhã lẳng lặng móc hai cái kẹo được chia lúc đón giao thừa vẫn để trong túi ngực ra cùng với cái kẹo Hòa vừa đưa cho Hòa:
- Cậu cất vào đấy đi! Tớ không thích của ngọt.
Cân, Thắng cũng đưa trả lại chiếc kẹo. Không khí trong hầm chợt ắng lại. Hòa đen trầm giọng xuống:
- Các cậu biết không? Thằng bé con xã đội trưởng Hồ Măng mười hai, mười ba rồi đấy mà chỉ bằng đứa trẻ bảy, tám tuổi ngoài Bắc- Cậu chép miệng- Từ lúc đẻ ra đến giờ toàn ăn sắn thì làm sao mà lớn được cơ chứ.
Câu chuyện giữa bốn anh em cứ rỉ rả mãi đến lúc tiếng gà rừng eo óc gáy họ mới chợp mắt.
Trong lúc đó, cũng bên dòng Sê Pôn cuộc vui liên hoan đón giao thừa ở đại đội 3 còn kéo dài đến tận hai giờ sáng. Họ vui là phải vì chính họ là những người đã ra quân đánh thắng trận đầu một tuần trước đó và đang hết sức tin tưởng vào chiến thắng ở trận đánh nay mai.
Còn dưới chân dãy Tam Đảo cũng có một người thức trắng đêm. Đó là quyền tư lệnh Đào. Sau khi tham gia liên hoan đón giao thừa cùng anh em cơ quan ông trở về ngồi trầm ngâm bên bàn viết. Trước mặt ông là một tờ giấy trắng tinh và bộ bút lông mua từ Trung Quốc về, một lọ mực Tàu loại pha sẵn mà thỉnh thoảng ông mới có dịp dùng đến. Không biết ông nghĩ những gì, chỉ biết lúc gà gáy sáng ông mới phóng bút viết đúng một chữ rồi bỏ đấy đi ra ngoài vươn vai, ngắm trời ngắm đất.

***

Mới tầm tám giờ sáng chính ủy Ngọc đã dẫn đầu đoàn cán bộ đi đến từng xe chúc Tết. Ông bảo:
- Đây là một tục lệ rất tốt đẹp của dân tộc ta. Không biết nó có từ bao giờ nhưng nó đã và sẽ trường tồn mãi mãi cùng dân tộc.
Xe 567 là xe đoàn đến sau cùng. Vừa chui vào hầm nhìn thấy bàn thờ Tổ quốc và đôi câu đối chính ủy Ngọc đã thầm khen ngợi những người lính trẻ của mình. Có lẽ đây cũng là một khác biệt lớn giữa họ và thế hệ ông. Ngày ông bước vào quân ngũ đa số anh em trong đơn vị xuất thân từ nông dân nghèo, nhiều người một chữ bẻ đôi không biết. Họ ra đi chỉ đơn giản vì họ muốn thoát khỏi và phá bung cái ách áp bức bóc lột mà bọn thực dân, phong kiến đang quàng lên đầu lên cổ họ. Còn những người lính hôm nay lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, họ được giáo dục một cách hệ thống về tri thức, về văn hóa và cả về lý tưởng. Có lẽ chính vì vậy họ đi vào chỗ chết mà cứ nhẹ nhàng như không. Ngay sát nách quân thù mà vẫn làm thơ, viết câu đối và đón Tết thật đàng hoàng.
Tham mưu trưởng Dương thì cứ nắc nỏm khen đôi câu đối, tuy có phần mộc mạc nhưng cũng tạm được. Chính ủy Ngọc lắc đầu phản bác:
- Anh kỹ tính quá! Tôi thì thấy thế là hay lắm rồi. “Đinh Mùi qua” đối với “Mậu Thân đến” nhé. “Thiết giáp” đối với “xe tăng” nhé. “Ra quân” đối với “đánh thắng” nhé. Anh không thấy đối nhau cứ chan chát à. Lại gắn với sự kiện rất thời sự là trận ra quân tuần trước của ta nữa chứ- Chỉ tay một vòng vào bốn anh em ông hỏi- Đồng chí nào là tác giả đôi câu đối này?  
Hòa ẩy vào lưng Cân:
- Báo cáo thủ trưởng, đây ạ!
Đồng chí phái viên chính trị ghé tai chính ủy Ngọc nói thầm điều gì đấy, ông gật gật đầu:
- À! Ra thế! Này, tớ biết tên cậu từ lâu rồi đấy nhé! Thế Tết này có làm được bài thơ nào không?
Mặt Cân đỏ bừng, sắc đỏ lan đến tận hai mang tai. Cậu chưa kịp trả lời thì Hòa đã láu táu:
- Có thủ trưởng ạ! Đêm qua cậu ta vừa mới khai bút được một bài. Bọn em thấy hay lắm ạ!
Thấy Cân đang ngượng chính ủy Ngọc hiền từ động viên:
- Nào! Đọc đi! Hay sẽ có thưởng, mà có dở cũng không sao cả.
Thấy mọi người đều khuyến khích Cân lấy hết can đảm ra nhưng vẫn lắp bắp:
- Dạ! Sau khi nghe bài thơ chúc Tết của Bác Hồ em cũng nảy ra mấy vần tức cảnh. Có gì các thủ trưởng thông cảm- Thấy mọi người vẫn chăm chú lắng nghe cậu hắng giọng rồi đọc- Xuân này không pháo, cũng không hoa; Không bánh chưng xanh, vắng lời ca; Chỉ một niềm tin theo lời Bác; Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta! Hết rồi ạ!
Một tràng vỗ tay đột ngột nổi lên. Chính ủy Ngọc gật đầu:
- Hay lắm! Rất thời sự, rất hợp cảnh hợp tình- Ông cúi nhìn đồng hồ rồi ngẩng lên- Thôi! Lúc khác sẽ nói chuyện thêm về thơ, còn bây giờ ta phải đi vào bản đã. Một lần nữa chúc các đồng chí mạnh khỏe, tiến bộ.
Ông bắt tay từng người một rồi khom mình đi ra. Vĩnh vẫy Hòa:
- Hòa đi với bọn tớ! Cậu mà không vào Hồ Măng lại trách mình.
Chuyến đi vào xã Thuận chúc Tết đã để lại trong lòng chính ủy Ngọc và đoàn cán bộ xe tăng nhiều cảm xúc. Không ai nói với ai nhưng người nào cũng thấy mủi lòng vì thấy bà con sống khổ quá, nghèo quá. Nhưng ai cũng cảm phục tấm lòng trung thành vô hạn với cách mạng của những con người vô cùng thuần hậu và chất phác này.
Ngồi bên bếp lửa, nhìn xung quanh ngôi nhà trống hơ, trống hoác và chẳng có tài sản gì đáng giá của người xã đội trưởng chính ủy Ngọc ái ngại hỏi Hồ Măng:
- Thế bà con mình năm nay ăn Tết thế nào?
Hồ Măng bỏ cái tẩu ra khỏi miệng cười rất vô tư:
- Tụi mình ngày nào cũng là Tết mà ngày nào cũng không là Tết. Ngày nào bọn mình cũng ăn sắn thôi mà- Chỉ tay ra phía sau nhà anh kể rất hồn nhiên-  Tụi mình làm rẫy cũng thu được nhiều lúa hung nhưng để dành cho bộ đội ăn no mà đánh  Mỹ. Tụi mình ăn sắn quen rồi.
Thế nhưng khi Vĩnh hỏi có giúp đỡ bộ đội gùi hàng được không Hồ Măng nhận lời ngay. Anh còn cho biết có con đường tắt đến Ha Shin Ta Sinh nên đi về trong ngày được. Ngay ngày mai đã có thể huy động được mười lăm người đi giúp bộ đội.
Trên đường về chính ủy Ngọc cứ áy náy mãi vì món quà ông mang vào chúc Tết bà con quá nhỏ bé.
Ngay trưa hôm đó Vĩnh đã phái hai chiến sĩ về báo cho bộ phận còn lại ở Ha Shin Ta Sinh tổ chức tháo dỡ lấy 100 mắt xích còn tốt ở 3 xe, đồng thời tổ chức nạp sẵn hai bộ bình điện để ngày mai trên này đưa về đổi.

***

Sáng sớm hôm sau, khi màn sương còn phủ kín mặt sông và chân đồi thì đoàn của chính ủy Ngọc đã lên đường về sở chỉ huy. Cũng lúc đó Hồ Măng đã dẫn mười lăm du kích đến chỗ hẹn, anh bảo:
- Xã Thuận mình không đủ người, phải sang cả bên xã Thanh mượn đó.
Biết bà con đang khó khăn nên đoàn trưởng Lãm đã chỉ thị cho bộ phận hậu cần nắm cho mỗi người một nắm cơm. Nhưng khi đưa cơm ra thì Hồ Măng một mực từ chối:
- Mình không lấy cơm của bộ đội đâu! Bọn mình đã có sắn rồi.
Mấy anh em phải xúm lại nói mãi Hồ Măng mới chịu nhận túi cơm đem chia cho mọi người.
Hai bộ bình điện đã được bộ đội tháo ra để sẵn bên bờ sông. Vĩnh đứng ra hướng dẫn nhóm du kích cách bảo quản và di chuyển an toàn bình điện. Anh cũng cử thêm một người đi cùng đoàn để xử trí các tình huống xảy ra.
Bốn chiếc bình điện được đưa xuống con thuyền độc mộc để vượt sông. Sang bờ bên kia chúng sẽ được xỏ vào cây đòn mà bà con gọi là cây xà- roong để hai người khiêng. Nhìn đoàn người đang xúm lại khiêng bình điện xuống thuyền Vĩnh cứ thấy lo lắng, không hiểu những con người gày gò, đen đúa kia sẽ làm như thế nào để chuyển những cái bình điện sáu mươi tư ki- lô- gam kia đi và về hơn ba chục ki- lô- mét trong ngày.
Suốt ngày hôm ấy Vĩnh cứ lo ngay ngáy, thỉnh thoảng anh lại ra bờ sông ngóng về phía con đường mòn bên kia. Anh chỉ thở phào nhẹ nhõm lúc chiều muộn khi đoàn người đen đúa xuất hiện phía bên kia sông. Từ xa anh đã nhận được cái dáng cao lòng khòng của Hồ Măng, trên vai là cái đòn hai đầu toòng teng hai mảnh xích.  Đón hai bộ bình điện mới nạp và bốn mươi hai miếng xích từ tay những người du kích anh thấy mắt mình cay cay. Hồ Măng thì vẫn vô tư cười hở hàm răng cửa trống lổng:
- Cái gì của bộ đội xe tăng cũng nặng mà cứng hung. Bọn mình định gùi mấy cái mảnh xích này mà không được, đau lưng lắm. Phải chặt tre làm xà- roong để gánh đó. Thế mà đi đường cũng gãy mất ba cây xà- roong đó.
Nắm chặt hai bàn tay người xã đội trưởng Vĩnh chỉ biết lặp đi lặp lại:
- Cảm ơn Hồ Măng! Cảm ơn đồng bào nhiều lắm!
Hồ Măng vẫn cười vô tư:
- Có gì mà bộ đội phải cảm ơn! Ngày mai bộ đội cần thì mình lại đi. Ngày mốt bộ đội cần thì mình cũng lại đi. Việc của bộ đội cũng là việc của mình mà!
Thế nhưng khi Vĩnh mời bà con ở lại ăn cơm thì Hồ Măng và tất cả đoàn đều khăng từ chối. Nói thế nào cũng không được anh nghĩ bụng: “sẽ phải tìm cách nào đó để đền đáp cho bà con sau”. Họ chia tay sau khi hẹn ngày mai lại đến.
Thêm một ngày nữa toàn bộ số xích còn tốt và bốn bộ bình điện mới nạp đã được đưa về Pê Sai theo đúng dự định. Đoàn trưởng Lãm thay mặt đơn vị ra biếu bà con một bao gạo và một túi muối. Hồ Măng lại một lần nữa không chịu nhận, cánh du kích đi cùng cũng vậy, họ cứ một mực lắc đầu từ chối. Đã tiếp xúc với bà con từ hôm đi trinh sát lòng sông nên Vĩnh hiểu họ hơn, anh đến cạnh Hồ Măng vỗ vai thân mật:
- Hồ Măng à! Hai hôm vừa rồi đồng bào giúp đỡ bộ đội. Đến bây giờ thì bộ đội giúp đỡ đồng bào chứ không phải là trả công đâu. Hồ Măng nhận đi cho bộ đội vui lòng.
Đến lúc đó Hồ Măng và đám du kích mới chịu nhận gạo và muối. Nhận xong rồi vẫn thấy đám du kích nấn ná chưa về. Vĩnh hỏi Hồ Măng:
- Sao Hồ Măng chưa về? Sắp tối rồi đó!
Hồ Măng có vẻ hơi bẽn lẽn:
- Mình biết là bộ đội phải giữ bí mật. Nhưng tụi du kích nhà mình nó cứ muốn coi xe tăng. Nếu bộ đội thông cảm thì cho bọn mình coi một tý. Một tý thôi mà! Còn nếu không cho coi được thì thôi, mình không giận đâu!
Nghe cái giọng nài nỉ của người xã đội trưởng Vĩnh thấy tồi tội. Có gì mà phải giữ bí mật với những con người đã dành trọn tấm lòng và niềm tin vào Đảng, Bác. Anh cười thật tươi:
- Không việc gì đâu! Bây giờ đi theo mình!
Vĩnh dẫn đám du kích về xe 567 đỗ gần đấy nhất. Đám du kích xúm lại xem, họ tò mò sờ nắn thân xe, nòng pháo rồi trầm trồ với nhau bằng tiếng Vân Kiều. Một cậu thò cánh tay vào dưới thân xe đo đo đạc đạc rồi cứ giơ cánh tay lên mà ngơ ngác:
- Thép dày thế này thì nặng hung, làm sao bơi được?
Thấy cũng khó có thể giải thích cặn kẽ Vĩnh chỉ nói đơn giản:
- Cái xe nặng thế nhưng vì nó kín nên khi xuống nước nó cũng nổi như cái thuyền độc mộc của đồng bào ấy mà.
Không biết họ có hiểu không nhưng ai cũng gật đầu rối rít. Một cậu bảo:
- Thế này thì thằng Mỹ ở Làng Vây hết sống rồi.

Riêng Hòa đen lại có dịp thể hiện tình thân ái đặc biệt với Hồ Măng, cậu ta xăng xái giới thiệu các đồng đội của mình cho Hồ Măng biết, lại còn cho đồng chí xã đội trưởng chui vào xe để xem. Lúc Hồ Măng về cậu còn kịp dúi cho anh tất cả kẹo bánh còn lại trong dịp Tết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét