Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017

BÃO THÉP 1- CƠN LỐC ĐẦU MÙA- Kỳ 22


Nằm cách biên giới Việt- Lào chừng 10 ki- lô- mét, kẹp giữa con đường số Chín ở phía Bắc và dòng sông Sê- Pôn thơ mộng ở phía Nam Huội San vốn là một bản của người dân Lào từ lâu lắm rồi. Có thể nói trên suốt chiều dài hàng trăm ki- lô- mét của dòng sông Sê- Pôn thì đây là nơi bằng phẳng nhất. Những ngọn đồi thấp nằm xen với những cánh đồng lúa nước cùng với những lũy tre dày làm cho Huội San khá giống với một làng trung du Bắc Bộ. Con sông Sê- Pôn sau khi thỏa sức vùng vẫy giữa các triền núi cao của Trường Sơn đến đoạn này trở nên hiền hòa hơn như đã thấm mệt. Dòng sông không bao giờ cạn vừa là nguồn nước dồi dào tưới tắm cho những cánh đồng và cũng là nguồn cung cấp cá tôm vô tận cho dân bản. Huội San lại có đường Chín chạy qua, việc thông thương với các vùng miền trong nước cũng như với phía Việt Nam hết sức thuận tiện đã làm cho nơi này trở thành giàu có, trù phú bậc nhất cả vùng. Nhưng đó chỉ là quá khứ.
Vào đầu những năm 60, sau khi lật đổ Chính phủ liên hiệp của Vương quốc Lào Mỹ đã dựng Phủi Xa-na-ni-con lên làm thủ tướng. Hơn 5000 cố vấn Mỹ được đưa vào Lào để tiêu diệt “họa cộng sản” đồng thời chống phá cách mạng Việt Nam và chặn đứng nguồn tiếp tế từ miền Bắc sang Lào cũng như vào chiến trường miền Nam. Một trong những con bài được chúng sử dụng chính là Vàng Pao cùng đội quân thổ phỉ của hắn. Để thực hiện âm mưu của mình dọc theo biên giới Lào- Việt Vàng Pao đã cho xây dựng 68 căn cứ, đồn bốt và một số cụm phỉ cơ động. Từ các căn cứ này chúng tăng cường các hoạt động chống phá cách mạng Lào và xâm phạm lãnh thổ Việt Nam. Với lợi thế về mặt địa lý Huội San cũng được chọn làm một trong những căn cứ đó. Không chịu được sự quấy nhiễu của đám thổ phỉ người dân Huội San đành rời bỏ quê hương bản quán lánh về những vùng núi xa xôi. Bản Huội San trù phú bị bỏ hoang từ đó.
Nhằm triệt phá các hoạt động của Vàng Pao, bảo vệ vững chắc an ninh biên giới và hỗ trợ cho cách mạng Lào năm 1961 quân tình nguyện Việt nam phối hợp với bộ đội Pa- thét Lào đã tiến công xóa sổ căn cứ phỉ ở Huội San. Tuy nhiên sau đó khu vực này vẫn nằm trong quyền kiểm soát của chính quyền ngụy Lào và do một tiểu đoàn quân ngụy Lào đồn trú. Do vị trí xung yếu của mình Huội San được xây dựng thành một cụm cứ điểm với 12 cứ điểm nhỏ nằm rải rác dọc theo hai bên đường Chín, trong đó Tà Mây là cứ điểm quan trọng nhất và sở chỉ huy tiểu đoàn được đặt ở đây.
So với các cứ điểm khác trong cụm cứ điểm này thì Tà Mây có độ cao lớn nhất. Nằm giữa một vùng đồng bằng và đồi thấp với độ cao 239 mét so với mực nước biển Tà Mây đột khởi hẳn lên và có tầm kiểm soát khá rộng. Nó lại nằm sát đường Chín về phía bắc nên có khả năng khống chế mọi hoạt động trên con đường chiến lược này. Có thể nói đó là một cửa ải bắt buộc phải vượt qua nếu muốn đưa lực lượng cơ giới theo đường Chín tiến về phía Đông. Với vị trí có tầm quan trọng chiến lược như vậy Huội San nói chung và đặc biệt là Tà Mây được xây dựng khá kiên cố, bên ngoài các cứ điểm đều có hai đến ba hàng rào dây thép gai xen kẽ với các loại mìn. Hệ thống công sự cũng được xây dựng tương đối vững chắc bằng bao cát và gỗ súc. Đặc biệt hỏa lực tự thân của cụm cứ điểm Huội San khá mạnh, lại được sự chi viện đắc lực của không quân và pháo binh Mỹ từ Khe Sanh, Cồn Tiên vào bất cứ lúc nào. Chính vì vậy Bộ tư lệnh mặt trận đã quyết định phải tăng cường xe tăng cho bộ binh để phá tan bằng được “cửa ải” này.

***

Có lẽ những người vui mừng nhất trước quyết định này là ban chỉ huy của trung đoàn bộ binh 24. Họ cũng vừa mới hành quân từ Bắc vào tăng cường cho mặt trận Đường Chín- Khe Sanh. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ đều còn trẻ, kinh nghiệm trận mạc chưa có gì nên không có gì khó hiểu khi họ hết sức phấn khởi khi có xe tăng cùng xung trận. Vì vậy khi thấy hai cán bộ đoàn 198 xuất hiện cả ban chỉ huy trung đoàn đều tiếp đón rất niềm nở và trọng thị.
Buổi làm việc giữa hai đơn vị diễn ra rất khẩn trương bên tấm bản đồ khu vực. Điều phấn khởi nhất mà hai cán bộ xe tăng được thông báo là qua vài lần trinh sát anh em bộ binh đã phát hiện ra xung quanh các cứ điểm đều bố trí mìn dày đặc nhưng chỉ có mìn chống bộ binh và không có mìn chống tăng. Hai bên đã thống nhất xác định được mục tiêu chủ yếu của trận đánh là cứ điểm Tà Mây và vị trí tập kết của đại đội 3 tại một bản có cái tên hơi lạ: Cha- ki- phìn. Về cách đánh sẽ cho bộ binh bí mật chiếm lĩnh trận địa xuất phát xung phong trước, còn xe tăng cũng từ vị trí tập kết bí mật tiếp cận mục tiêu càng gần càng tốt. Khi pháo bắn chuẩn bị bộ binh sẽ mở cửa cho xe tăng, còn xe tăng sẽ tăng tốc độ triển khai đội hình, phát huy hỏa lực tiêu diệt mục tiêu đầu cầu rồi nhanh chóng xung phong dẫn dắt bộ binh đánh chiếm mục tiêu bên trong. Rất may là khi còn ở ngoài bắc đơn vị này cũng đã có dịp diễn tập hiệp đồng với xe tăng nên anh em cũng không bỡ ngỡ lắm. Điều duy nhất làm hai cán bộ xe tăng thấy phân vân là đoạn đường Chín từ vị trí tập kết của đại đội 3 đến Huội San chất lượng rất xấu vì bị bỏ hoang đã lâu ngày, hầu hết các cây cầu trên đường đều đã bị phá nên chắc chắn việc cơ động rất khó khăn. Vì vậy ngay sau khi kết thúc buổi hiệp đồng Lãm và Phúc đã vội vã xin phép chia tay mặc dù ban chỉ huy trung đoàn 24 đã rất nhiệt tình chèo kéo hai người ở lại nghỉ ngơi cho đỡ mệt. Trước lúc lên đường Lãm còn dặn với:
- Ngay sau đây chúng tôi sẽ cơ động đại đội 3 lên vị trí tập kết. Khi xe tăng đến đó chúng tôi sẽ cho anh em cán bộ đến gặp các anh ngay. Đề nghị các anh cho trinh sát dẫn đường cho anh em xe tăng trinh sát đường cơ động đến sát Tà Mây. Tôi nghĩ rằng đó sẽ là vấn đề cốt lõi của trận đánh này đấy! Còn chúng ta sẽ hiệp đồng lần cuối cùng trước giờ nổ súng theo quy định của mặt trận.

***

Trong lúc đoàn trưởng Lãm và đoàn phó Phúc làm việc ở trung đoàn bộ binh 24 thì tiểu đoàn trưởng Tân cũng đã có mặt tại trung đoàn công binh 7. Do đã nắm được nhiệm vụ, lại được Tân cung cấp sơ bộ tình hình trên cả hai hướng tây và nam nên trung đoàn trưởng công binh đã nhanh chóng phác thảo kế hoạch bảo đảm cơ động cho xe tăng của đơn vị mình. Gọi thêm mấy sĩ quan tham mưu tới hầm của mình, trung đoàn trưởng công binh trải rộng tấm bản đồ địa hình khu vực trên bàn và trình bày rất ngắn gọn:
- Căn cứ vào cung cấp tình hình của đồng chí và một số nội dung chúng tôi đã nắm được thì theo tính toán của chúng tôi khối lượng công việc ở hướng nam là rất lớn. Chúng ta phải mở khoảng 15 ki- lô- mét đường bộ từ Ha- Sin- Ta- Sing đến Pê- Sai và mở thông 6 ki- lô- mét đường sông từ Pê- Sai tới Làng Troài. Trong khi đó lực lượng của chúng tôi chỉ còn hai tiểu đoàn. Vì vậy tôi dự kiến sẽ chỉ để lại một đại đội để bảo đảm cho hướng tây, còn bao nhiêu sẽ dồn hết về hướng nam. Anh thấy thế có được không?.
Tiểu đoàn trưởng Tân ngẫm nghĩ một lát rồi mới chậm rãi:
- Tôi hoàn toàn nhất trí với đánh giá tình hình của các anh. Tuy nhiên đề nghị các anh lưu ý cho một điều: theo chỗ chúng tôi biết chất lượng đường Chín từ chỗ chúng tôi đến Huội San rất xấu, hầu hết các cầu đều đã bị phá hủy mà chỉ còn gần một tuần nữa đã nổ súng, nếu lực lượng bảo đảm mỏng quá e rằng không kịp. Còn ở hướng nam tuy khối lượng công việc lớn nhưng chúng ta còn nhiều thời gian. Vì vậy đề nghị các anh nghiên cứu thêm. Theo tôi giai đoạn đầu các anh nên để hẳn một tiểu đoàn ở hướng tây, sau khi đã khắc phục cơ bản đường cho xe tăng cơ động hãy dồn xuống hướng nam. Làm như vậy sẽ đảm bảo chắc chắn hơn.
Cúi xuống tấm bản đồ soi mói nhìn vào đoạn đường Chín phía tây Huội San một lát trung đoàn trưởng công binh gật đầu:
- Anh nói rất có lý! Tôi đồng ý với ý kiến của anh. Trước mắt chúng tôi sẽ cho một tiểu đoàn khắc phục ngay đoạn đường Chín này. Sau khi cơ bản xong sẽ để lại một đại đội để bảo đảm cho các anh trong quá trình chiến đấu và bảo đảm cơ động về Làng Vây sau này.
Tân vẫn có vẻ chưa yên tâm:
- Thực ra về nền đường thì không có gì lớn lắm mà tôi thấy gay go nhất là mấy chiếc cầu. Bây giờ mà bắc cầu chắc chúng ta không đủ khả năng, vậy các anh định thế nào?
Trung đoàn trưởng công binh cười:
- Anh cứ yên tâm! Đó là nghề của chúng tôi mà. Tuy nhiên đề nghị anh cho một số cán bộ đến trực tiếp làm việc cùng chúng tôi thì sẽ bảo đảm hơn.
Có vẻ đã yên tâm hơn Tân vội chia tay và quay ngay về đơn vị.

***

Công việc chuẩn bị cho trận tiến công Huội San của trung đoàn bộ binh 24 và đại đội xe tăng 3 không mấy thuận lợi.. Đã hai lần đoàn cán bộ của xe tăng được bộ binh đưa đi trinh sát đều phải quay ra sớm vì đụng phải biệt kích nên chỉ quan sát được từ xa. Việc khắc phục cầu đường cũng rất khó khăn. Đặc biệt sau khi ta tiến công chi khu quân sự Hướng Hóa hoạt động của không quân địch và các toán biệt kích tuần tiễu được tăng cường gấp bội. Hàng ngày hai chiếc OV10 thay nhau soi mói dọc theo đường Chín, bất kỳ chỗ nào nghi ngờ là chúng gọi phản lực đến đánh ngay. Các trận tọa độ B52 cũng dày hơn nhất là phía bắc các cứ điểm Khe Sanh, Tà Cơn, Làng Vây... Công việc khắc phục cầu đường của tiểu đoàn công binh vì vậy phải chuyển sang làm đêm nên tiến độ rất chậm.
Từ vị trí tập kết của đại đội tăng 3 đến Huội San có 7 cây cầu lớn và một số cây cầu nhỏ đều đã bị phá sập, một số đoạn đường bị sạt lở nặng. Để khắc phục công binh buộc phải mở đường tránh và làm ngầm cho xe tăng qua. Tuy nhiên do không khai thác được đá hộc nên vật liệu làm ngầm chủ yếu là cây cối. Những bó thân cây, cành cây và cả lau lách được anh em công binh tập kết sẵn hai đầu ngầm đến tối mới đem ra vùi xuống thành đường. Làm đến gần sáng lại phải ngụy trang đề phòng ban ngày máy bay địch phát hiện ra.
Được tiểu đoàn cử đi làm cố vấn cho bên công binh đại đội phó kỹ thuật Minh đã lăn lộn với tiểu đoàn công binh này gần cả tuần nay. Suốt đêm anh như con thoi đi từ ngầm này sang ngầm khác để góp ý, chỉ đạo. Ban ngày thì lại đi kiểm tra, có vấn đề gì chưa đạt yêu cầu sẽ đề nghị bên công binh khắc phục ngay. Đã cuối tháng Chạp ta, trời se se lạnh mà mồ hôi lúc nào cũng đẫm lưng áo anh. Được cái anh em công binh làm rất tích cực và có trách nhiệm nên chỉ sau ba ngày đêm đã cơ bản hoàn thành được 6 ngầm lớn và hầu hết các ngầm nhỏ với chất lượng chấp nhận được. Các đoạn đường bị sạt lở cũng đã được khắc phục xong. Tuy nhiên chỉ còn mỗi cái ngầm qua con suối Huổi Lau cả Minh lẫn tiểu đoàn trưởng công binh đều lúng túng chưa biết xử trí thế nào. Từ đó về Tà Mây chỉ chưa đầy 2 ki- lô- mét, bọn địch vẫn thường xuyên tuần tiễu ra đến tận đấy nên không thể bố trí cho bộ đội làm ngay được. Đứng trên đỉnh một ngọn đồi cao phía nam đường nhìn sang thỉnh thoảng lại thấy thấp thoáng bóng bọn ngụy Lào nghênh ngang đi ra tận đầu cây cầu sập ngó nghiêng, có thằng ngứa tay còn lia mấy loạt đạn vu vơ sang bờ tây Minh bàn với tiểu đoàn trưởng công binh:
- Tình hình này có khi ta phải đợi đến sát giờ nổ súng mới làm được anh ạ!
Tiểu đoàn trưởng công binh gật đầu:
- Tôi cũng nghĩ vậy! Chúng tôi sẽ cho anh em chuẩn bị sẵn vật liệu tập kết ở gần đấy. Đợi đến sát giờ nổ súng mới tập trung lực lượng xuống làm thật nhanh. Anh cứ yên tâm! Tôi tin rằng sẽ làm kịp trước khi các anh cơ động đến đây.
Thấy cũng chẳng còn cách nào khác Minh chấp nhận:
- Tôi đồng ý! Tuy nhiên tôi đề nghị anh phải cho bộ đội kiểm tra thêm một lần nữa các điểm ta đã làm. Đối với xe tăng chúng tôi vấn đề cơ động kịp thời đến mục tiêu là quan trọng bậc nhất đấy.
Người tiểu đoàn trưởng công binh mỉm cười:
- Anh cứ yên tâm! Chúng tôi xin đảm bảo với các anh sẽ hoàn thành kịp thời gian quy định.
Hai người bắt tay nhau và chia tay.

***

Ngay sau khi ổn định vị trí trú quân mới ở Ha Sin- Ta Sinh đại đội trưởng Nghi đã tổ chức cho đi trinh sát đường cơ động theo chỉ thị của tham mưu trưởng Dương. Đích thân anh cùng đại đội phó kỹ thuật Vĩnh và một số cán bộ đã khảo sát kỹ con đường bộ từ nơi trú quân mới đến bờ tây sông Sê- Pôn và ghi chép cẩn thận những đoạn cần khắc phục vào bản đồ. Riêng đoạn đường sông đoàn mới chỉ đi trên bờ và khảo sát sơ bộ.
Khi Nam- tiểu đoàn trưởng công binh được Nghi trao cho tấm sơ đồ rất tỷ mỷ anh mừng rỡ:
- Tốt quá! Như thế này ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Tối nay tôi sẽ triển khai nhiệm vụ cho các đại đội và ngay ngày mai có thể bắt đầu công việc được rồi. Để tranh thủ thời gian cũng ngay ngày mai chúng tôi bắt đầu trinh sát đoạn đường sông. Tôi đề nghị các anh cử một số cán bộ đi cùng chúng tôi để kiểm tra khả năng lưu thông của xe tăng trên sông cho chính xác.
Đại đội trưởng Nghi tham gia:
- Chúng tôi hoàn toàn nhất trí và sẽ cử người theo yêu cầu của các anh. Tuy nhiên tôi chỉ xin lưu ý các anh một điều: dù làm gì thì vấn đề giữ bí mật phải được đặt lên hàng đầu.
Đã hiểu rõ tầm quan trọng của hướng này nên Nam gật đầu:
- Các anh cứ yên tâm! Đoạn đường trên bộ này tôi sẽ yêu cầu anh em làm đến đâu ngụy trang đến đó, đảm bảo địch từ trên không không thể phát hiện ra. Còn việc đi trinh sát trên sông tôi dự định sẽ làm mấy cái mảng nứa và đóng giả làm người dân đi đánh cá trên sông. Riêng đoạn gần Làng Troài thì buộc phải trinh sát ban đêm. Anh nhớ cử anh nào gầy gầy, đen đen ấy nhé. Cử mấy ông béo tốt, trắng trẻo đi thì khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”. Còn bây giờ tôi phải về để triển khai công việc cho anh em các đại đội. Hẹn các anh sáu giờ sáng mai ta sẽ lên đường.
Tiễn người tiểu đoàn trưởng công binh về Nghi còn đứng nhìn theo mãi. Anh biết rằng sự thành công của đại đội anh trong trận đánh này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào người anh em này.

***

Mãi đến gần trưa hôm sau nhóm trinh sát lòng sông Sê- Pôn mới tới được bờ sông phía tây. Ý định của tiểu đoàn trưởng Nam có vẻ gặp khó khăn vì hai bên bờ sông có khá nhiều tre nhưng là loại tre nhỏ và đặc nên không làm mảng được. Thấy vậy đại đội phó Vĩnh- anh và Hòa đen được đại đội trưởng Nghi cử đi trinh sát cùng công binh- góp ý:
- Ở đồi Pê Sai bên kia sông có một đơn vị bộ binh đã đứng chân ở đây từ trước. Có lẽ ta nên sang bên ấy nhờ các đồng chí ấy giúp đỡ.
Thấy cũng chẳng có cách nào hơn Nam đành đồng ý. Cả nhóm lò mò tìm cách vượt sông sang bờ bên kia. Vừa mới lóp ngóp từ dưới sông lên họ đã xanh mặt khi nhìn thấy mấy họng AK đang chĩa thẳng vào mình. Chỉ khi nhận ra đúng là đồng đội những khẩu súng mới hạ xuống. Họ được đưa vào gặp chỉ huy đơn vị. Sau khi nghe Nam trình bày ý định và đề nghị giúp đỡ người chỉ huy bộ binh nói:
- Về ý định đi trinh sát lòng sông của các anh theo tôi ta nên liên hệ nhờ bà con ở đây giúp đỡ. Từ hôm về đây thỉnh thoảng chúng tôi vẫn thấy bà con dùng thuyền độc mộc và mảng nứa đánh cá trên sông. Nếu các anh đồng ý tôi sẽ cho người dẫn các anh vào bản gặp các đồng chí xã đội để nhờ giúp đỡ.
Đại đội phó Vĩnh tỏ ra lo lắng:
- Như thế liệu có đảm bảo bí mật được không?
Người chỉ huy bộ binh cười rõ tươi:
- Các anh cứ yên tâm! Đồng bào ở đây toàn là người Vân Kiều. Cả dân tộc đã lấy họ của Bác Hồ làm họ của mình nên quyết tâm theo cách mạng đến cùng.
Tiểu đoàn trưởng Nam phấn khởi ra mặt:
- Thế thì tốt rồi! Nhưng còn tình hình hoạt động của bọn địch ở khu vực này thế nào cũng xin anh cho biết luôn.
Người chỉ huy bộ binh giở tấm bản đồ khu vực ra và chỉ:
- Nhìn chung ở hướng này địch hoạt động không mạnh lắm. Chắc là do địa hình phức tạp nên chúng có phần chủ quan. Trên không thỉnh thoảng OV10 đến nhòm ngó. Còn dưới đất bọn biệt kích chủ yếu tuần tiễu đến khu vực Làng Troài thôi, chưa thấy khi nào chúng vượt qua sông và con suối Pe Rang này. Có nghi ngờ gì đó chúng cũng gọi pháo bắn vài loạt hoặc gọi phản lực đến thả vài loạt bom rồi thôi. Tuy nhiên theo tôi các anh chỉ nên đi trinh sát ban ngày đoạn trên này thôi- Anh chỉ tay vào một điểm trên bản đồ-  Còn từ Vực Tang trở xuống thì bắt buộc phải đi ban đêm.
Cả nhóm cán bộ chăm chú nhìn vào tấm bản đồ, vẻ mặt người nào người nấy tỏ ra rất lo lắng. Thấy vậy người chỉ huy bộ binh trấn an:
- Cũng xin nói thêm thế này để các anh yên tâm: hiện nay chúng tôi vẫn có một số tổ trinh sát bám địch ở khu vực Làng Troài và Pe Rang. Chúng tôi sẽ thông báo cho anh em cảnh giới và sẵn sàng bảo vệ các anh khi có tình huống xảy ra.
Ngẫm nghĩ một lát Nam nói:
- Vậy thì đề nghị anh cho anh em dẫn chúng tôi vào gặp bà con Vân Kiều luôn. Chúng tôi muốn bắt đầu càng sớm càng tốt.
Người chỉ huy bộ binh gật đầu:
- Được! Đây là địa bàn xã Thuận. Tôi sẽ cho người đưa các anh đến gặp đồng chí xã đội trưởng. Có yêu cầu gì các anh trực tiếp trao đổi với đồng chí ấy!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét