Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

ÂU CHÂU DU KÝ- 18

Một thoáng Vê rô na

Có một câu chuyện tình mà có thể nói hầu hết mọi người trưởng thành trên thế giới này biết đến- đó là chuyện tình của chàng Romeo và nàng Juliet. Người làm cho cặp nam nữ này nổi tiếng như thế chính là nhà viết kịch lừng danh Sexpia người Anh. Thế nhưng, có lẽ lợi lộc của sự nổi tiếng này lại thuộc về thành Verona- quê hương của chàng Romeo và nàng Juliet- một thành phố cổ kính nằm ở phía bắc của nước Ý. Theo thống kê, năm 2007 thành phố này chỉ có 264.191 người dân nhưng đã đón tới 3 triệu khách du lịch. Như vậy, cứ mỗi người dân- bất kể nam phụ lão ấu- sẽ đón 10 khách, còn có thu nhập nào cao hơn?
Tất nhiên, để hấp dẫn lượng du khách khổng lồ trên thành Verona không chỉ có chuyện tình Romeo và Juliet mà bản thân nó với bề dày lịch sử mấy nghìn năm cùng những di sản vô giá mới là sức hút chính. Cũng chính vì vậy, thành phố Vê rô na đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Ngay từ khi vừa mới bước vào thành phố người ta đã phải ngỡ ngàng bởi sự cổ kính của các cổ thành bao gồm những đoạn tường thành cao vút, vững chãi và những cổng thành cổ kính rêu phong. Có lẽ đây cũng là thủ phủ của một công quốc khi cộng hòa La mã chưa thống nhất cách đây hơn 2000 năm thì phải.
Điều đặc biệt nữa là ở Verona cũng có một đấu trường cổ và người ta cũng gọi nó là Colosseum (nhà cháu cứ gọi là Cô- li- dê cho nó quen thuộc ạ). So với Cô li dê ở Rô ma thì quy mô đấu trường ở Verona có vẻ hơi khiêm tốn hơn một chút song về độ cổ kính thì chắc không kém tý nào. Có khi nó còn có phần hơn vì được xây dựng bằng đá cẩm thạch màu hồng chứ không phải bằng gạch nung như ở Rô ma. Vừa nhìn thấy nó, nhà cháu đã vợi ngay đi cảm giác tiếc nuối khi hành trình này không đến được Rô ma vì thực ra cái mà nhà cháu muốn chiêm ngưỡng nhất ở Rô ma cũng chính là Cô li dê mà thôi. Được tận tay sờ vào những phiến đá hồng đã bị thời gian, mưa nắng bào mòn hàng nghìn năm nay trong lòng trào lên thật nhiều cảm xúc. Lại nhớ đến Xpác-ta-cút với những cuộc đấu kinh thiên động địa của ông trong đấu trường đã làm say mê hàng triệu con người. So với những công trình khác, có lẽ đấu trường Cô li dê thực sự là một công trình văn hóa công cộng và có ý nghĩa lớn lao đối với sự phát triển xã hội loài người. Đó là nơi tôn vinh sự cao thượng, sức mạnh một cách công bằng nhất. Và cũng ở chính tại các đấu trường này, một hình thức cao nhất của dân chủ - trưng cầu ý dân- đã được thông qua (đại khái khi kết thúc cuộc đấu, nhà vua hay lãnh chúa- người chủ trì cuộc đấu sẽ xin ý kiến thần dân có nên tha chết và trả tự do cho võ sĩ thắng cuộc hay ko bằng cách đưa tay ra. Nếu đa số dân chúng giơ ngón tay cái lên, võ sĩ sẽ được trả tự do. Nếu đa số dân chúng chúc ngón cái xuống, anh ta sẽ bị giết chết).
Đứng dưới mái vòm đấu trường, trong nhà cháu cứ lăn tăn câu hỏi: sao người ta lại có thể để lại cho thế giới nhiều thứ thế nhỉ? Chợt liên hệ đến nhà mình. Thực tình, nhà cháu nghĩ ngoài những gì thiên nhiên ưu đãi như Hạ Long, Sơn Đoòng... thì nhà mình chỉ có Mỹ Sơn khả dĩ đem so được với thiên hạ. Tiếc rằng nó đã bị chiến tranh phá hủy mất 80% và thực ra đó cũng là di sản của tộc Chăm pa chứ chẳng phải của tộc Vịt nhà mình. Thấy phía trước đấu trường là một bãi cuội, chợt nhớ đến ông bạn LTD có cái thú sưu tầm đá cuội nhà cháu ngó trước ngó sau không thấy ai để ý bèn cúi nhặt đại 1 hòn.
Ngẩn ngơ mãi trước đấu trường Cô li dê nhưng rồi vẫn phải đi theo đoàn- vào thăm nhà của nàng Juliet.
Nằm sâu trong một con ngõ nhỏ, ngôi nhà cổ kính, cũ kỹ với cái ban- công bình dị của gia đình nàng Juliet đã trở nên vô cùng nổi tiếng và trở thành địa chỉ hành hương đối với rất nhiều cặp tình nhân trẻ tuổi cũng như các du khách khác. Dưới cái ban công đó người ta đã dựng một bức tượng nàng Juliet bằng đồng. Gội mưa, tắm nắng nên bức tượng ngả màu đen bóng- trừ khoảng ngực của người thiếu nữ là sáng bóng màu đồng thau vì hàng vạn, hàng vạn bàn tay đã đặt lên đó để cầu mong may mắn trong tình trường như một tín điều được truyền tụng ở đó. Bên cạnh đó là một cánh cửa mà người ta dán những mảnh giấy ghi ước vọng vủa mình hoặc thậm chí cả những bức thư gửi nàng Juliet lên đó. Ngõ thì hẹp, sân thì chật mà ai cũng muốn chen vào tận nơi nàng Juliet đứng hoặc tới cánh cửa mơ ước nên cứ phai chen vai thích cánh. Tuy vậy, gương mặt ai cũng hết sức vui vẻ, tươi cười. Không chịu kém miếng, nhà cháu cũng bon chen với mọi người len vào đứng cạnh nàng Juliet và thử sờ lên bầu ngực giá lạnh của nàng một tý nhưng bị chen dữ quá! Nhìn cái cảnh chen chúc ấy, nhà cháu bật lên mấy vần ngẫu hứng:

Trải mấy nghìn năm gội gió mưa
Nàng Ju li ét vẫn đợi chờ
Giây phút Rô me ô trở lại
Ngờ đâu toàn một lũ ngẩn ngơ!

Cũng giống như ở Mi lan, đường phố ở Vê rô na cũng được lát bằng đá là chính. Đặc biệt, con ngõ dẫn vào nhà Juliet được lát bằng những phiến đá lớn màu ngà vàng. Nhiều hòn đã mòn vẹt đi, nhẵn bóng. Dường như nó đã nằm im ở đó từ ngày thành phố này được dựng lên thì phải. Những vòi nước công cộng ở đây có vẻ cũng rất cổ xưa rồi. Tuy nhiên, nước ở vòi hoàn toàn có thể uống được.
Cuộc hành quân bộ từ đấu trường ra chỗ đỗ xe lại là cơ hội cho nhà cháu chiêm ngưỡng bức thành cổ của Vê rô na thời xưa. Chắc do là thủ phủ của công quốc nên thành trì ở đây được xây rất cao và vững chắc. Lạ một điều, không hiểu sao trên thành lại có bức phù điêu biểu tượng của Rô ma- thành phố của chó sói?
Con sông Adige chày sát bên thành phố như một điểm nhấn làm duyên dáng thêm thành phố yêu kiều Vê rô na. Nhưng đã đến lúc ta phải tạm biệt người!



C
Cổng thành cổ

Đấu trường La Mã- Colideum










Ban công nhà Juliet

Tượng Juliet

Cửa tình yêu





Biển di tích

Vòi nước công cộng- uống được.






Du khách chen vai thích cánh đến nhà Juliet




Nhiều người lên bằng được ban công



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét