Thứ Năm, 29 tháng 3, 2018

KÉO PHÁO LÊN DÃY LƯỠI CÁI CẮT ĐỨT ĐƯỜNG 1- SỐ PHẬN THỪA THIÊN HUẾ ĐÃ ĐƯỢC ĐỊNH ĐOẠT

Ngay lập tức, trận địa pháo được triển khai. Sau vài loạt bắn, giao thông trên đường 1 trở nên hỗn loạn. Hàng đoàn xe từ Huế chạy về Đà Nẵng bị ùn lại, cuống cuồng quay đầu về Huế.

Sau quyết định lật cánh của Bộ Tư lệnh Mặt trận Trị - Thiên chuyển hướng tiến công chủ yếu từ Tây Bắc xuống Tây Nam Huế, một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải cô lập được Huế.
Và giải pháp được lựa chọn là cắt đứt đường số 1, đồng thời phong tỏa cửa Thuận An, cửa Tư Hiền; trong đó cắt đứt đường số 1 là ưu tiên hàng đầu.
Trên mặt trận Trị Thiên, sau những nỗ lực của đợt 1 chiến dịch và hiệu ứng từ sự sụp đổ dây chuyền của Quân khu 2 Việt Nam cộng hòa (VNCH), Bộ Tư lệnh quân đoàn 1 VNCH quyết định lùi về củng cố tuyến phòng ngự từ sông Mỹ Chánh trở vào.
Tử thủ và quyết thắng
Ngày 19.3.1975, chớp thời cơ địch rục rịch rút quân, Đại đội xe tăng 7, Lữ đoàn 203 cùng bộ đội địa phương nhanh chóng truy kích địch và giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị.
Tướng Ngô Quang Trưởng - Tư lệnh Quân đoàn 1 VNCH vội bay ra Hướng Điền bàn kế hoạch giữ Thừa Thiên Huế. Y tuyên bố: "Tôi sẽ chết trên đường phố Huế. Quân Giải phóng (QGP) phải bước qua xác tôi mới vào được cố đô này".
Trước tình hình này, tại Tổng hành dinh, sau khi trao đổi với các tướng Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp hạ quyết tâm mở trận tiến công lớn, tiêu diệt tập đoàn phòng ngự Thừa Thiên - Huế.
Ông kể: "Tôi chỉ thị cho Bộ Tổng Tham mưu đôn đốc Quân khu Trị - Thiên gấp rút đưa lực lượng xuống đồng bằng, lệnh cho Quân đoàn II nhanh chóng cắt đứt đường số 1, không cho địch rút về co cụm ở Đà Nẵng". Thời hạn ông đưa ra cho Quân đoàn 2 phải cắt đứt đường số 1 vào ngày 21.3.1975.
Kéo pháo lên dãy Lưỡi Cái, cắt đứt đường 1: Số phận Thừa Thiên Huế đã được định đoạt - Ảnh 1.
Pháo binh Việt Nam. Ảnh minh họa.
Thời điểm này, lực lượng phía VNCH bảo vệ tuyến đường 1A gồm có Lữ đoàn 258 Thủy quân lục chiến, Liên đoàn 915 Biệt động quân, 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 1, Lữ đoàn 914 bảo an... Nhìn chung, lực lượng khá mạnh, được tổ chức theo kiểu phòng ngự khu vực với hệ thống công sự, vật cản tương đối vững chắc.
Về phía Quân giải phóng, một số đơn vị vẫn còn đang cơ động từ Quảng Trị vào sau quyết định lật cánh của Bộ Tư lệnh mặt trận.
Riêng với Sư đoàn 325 - đơn vị chủ công ở hướng Tây Nam vốn chỉ còn 2 trung đoàn bộ binh 18 và 101 cùng Trung đoàn pháo binh 84 (do Trung đoàn 95 đã được điều đi tăng cường cho Mặt trận Tây Nguyên) thì Trung đoàn 101 vẫn còn một bộ phận chưa vào đến vị trí mới.
Mặc dù vậy, chấp hành mệnh lệnh cấp trên Bộ Tư lệnh quân đoàn vẫn lệnh cho Sư đoàn 325 bằng mọi cách phải thực hiện được chỉ thị của Tổng Tư lệnh.
Căn cứ vào địa hình, địa thế khu vực đoạn quyết chiến đánh cắt đường số 1 được lựa chọn là đoạn đường số 1 kẹp giữa đầm Cầu Hai và dãy Bạch Mã. Đầm Cầu Hai là đầm nước lợ có diện tích lên đến 164 km2, có chiều dài trên dưới 60 km theo hướng Bắc - Nam. Còn Bạch Mã là một nhánh của dãy Trường Sơm đâm ra phía biển Đông mà nơi nó vươn xa nhất là đèo Hải Vân.
Nằm kẹp giữa một bên đầm nước, một bên núi cao là dải đồng bằng nhỏ hẹp thuộc địa phận hai huyện Hương Thủy và Phú Lộc của Thừa Thiên Huế. Đường số một như một sợi chỉ mỏng manh len lỏi giữa dải đồng bằng đó.
Nhận thức được sự hiểm yếu và tầm quan trọng của đoạn đường 1 đi qua khu vực này, phía VNCH đã tổ chức chiếm giữ một loạt các điểm cao thuộc dãy Bạch Mã, hình thành nên tuyến phòng thủ phía tây đường khá vững chắc.
Cụ thể, trên các điểm cao 560, 940, 520, Lộc Điền, Dàn Bò (366) do Tiểu đoàn 61 Biệt động quân chiếm giữ, sở chỉ huy ở điểm cao 560. Dãy Kim Sắc do Tiểu đoàn 60 Biệt động quân chốt giữ. Điểm cao 363 do Tiểu đoàn 8 Thủy quân lục chiến cùng một trung đội pháo 105 chốt giữ...
Để làm chủ được đoạn đường số 1 này, phía QGP không còn cách nào khác ngoài việc phá vỡ hệ thống phòng thủ đó.
Kéo pháo lên núi Lưỡi Cái, cắt đứt đường số 1
Với lực lượng đang có trong tay, việc chọc thủng tuyến phòng ngự phía Tây đường số 1 không hề dễ dàng. Ngoài ra, nếu địch cầm cự cố thủ thì thời hạn cắt đứt đường số 1 sẽ bị chậm trễ.
Một giải pháp táo bạo được đưa ra: kéo pháo lên núi Lưỡi Cái. Tư lệnh Nguyễn Hữu An nhớ lại: "Việc cắt đứt đường số 1, bộ binh không đủ thời gian tới đó được, tôi đốc anh Phạm Minh Tâm- Tư lệnh Sư đoàn 325 đưa thật gấp một số đơn vị pháo tới sườn dãy núi Lưỡi Cái làm trận địa ngắm bắn trực tiếp xuống đường số 1".
Kéo pháo lên dãy Lưỡi Cái, cắt đứt đường 1: Số phận Thừa Thiên Huế đã được định đoạt - Ảnh 2.
Bộ đội ta tiến vào Huế, hai bên đường là những vũ khí, phương tiện quân VNCH bỏ lại. Ảnh tư liệu.
Dãy núi Lưỡi Cái cũng là một nhánh của dãy Bạch Mã, có độ cao tới 863 mét, cách đường số 1 khoảng 3 km.
Đưa được pháo lên đây làm trận địa ngắm bắn trực tiếp không chỉ khống chế được một đoạn đường số 1 mà còn có thể bắn trực tiếp vào dãy Kim Sắc và các điểm cao trong hệ thống phòng ngự phía Tây đường số 1 của VNCH. Hơn thế nữa, pháo đặt ở đây còn có thể khống chế cửa Tư Hiền và trận địa pháo ở Mũi Né.
Và thế là hơn 20 km đường mới được mở. Xe cơ giới kéo pháo theo đường 14 B (nay là đường 591 nối La Sơn với Khe Tre) đến lưng chừng Động Truồi rẽ theo đường mới đến chân dãy Lưỡi Cái thì được tháo ra khỏi xe.Vấn đề đặt ra là làm sao đưa được pháo lên đó khi không có đường cơ giới - trong khi dốc lại cao, có chỗ lên đến 40 độ? Và câu trả lời là: Sức người! Ở Điện Biên Phủ các bậc tiền bối đã làm được, lẽ nào hậu thế lại bó tay.
Từ đây, mỗi khẩu pháo được hàng trăm bàn tay chiến sĩ chăm sóc. Người chỉ huy, người kéo, người đẩy, người chèn... Có một cái khó là để giữ bí mật, các chiến sĩ kéo pháo không được "hò dô ta" mà chỉ được đếm nhẩm theo hiệu lệnh phất khăn mặt trắng của người chỉ huy.
Kết quả, trong ngày 20.3.1975, Trung đoàn 84 với sự hỗ trợ của các đơn vị bạn đã đưa được 12 khẩu pháo các loại, trong đó có cả pháo nòng dài 122mm, 85 mm, pháo cao xạ 37 mm hai nòng cùng hàng chục dàn DKB lên dãy Lưỡi Cái.
Kéo pháo lên dãy Lưỡi Cái, cắt đứt đường 1: Số phận Thừa Thiên Huế đã được định đoạt - Ảnh 4.
Bãi xác xe pháo Quân lực VNCH tại Huế bị phá hủy bởi pháo binh Quân Giải phóng.
Ngay lập tức, trận địa bắn được triển khai. Sau vài loạt bắn, giao thông trên đường số 1 trở nên hỗn loạn. Hàng đoàn xe từ Huế chạy về Đà Nẵng bị ùn lại, cuống cuồng quay đầu về Huế. Đường số 1 tuy chưa bị cắt đứt hoàn toàn song đã bị khống chế bằng hỏa lực.
Kéo pháo lên dãy Lưỡi Cái, cắt đứt đường 1: Số phận Thừa Thiên Huế đã được định đoạt - Ảnh 5.
Ngày 21.3.1975, cũng từ trận địa này, pháo binh lại chi viện đắc lực cho Trung đoàn 18 đánh chiếm các điểm cao 494, 520, 560... và Trung đoàn 101 đánh chiếm các điểm cao 310, 320, dãy Kim Sắc...
Hệ thống phòng thủ Tây đường số 1 bị chọc thủng ở những điểm xung yếu nhất nhanh chóng sụp đổ. Đến 10 giờ 30 ngày 22.3.1975, Sư đoàn 325 đã làm chủ đoạn đường số 1 từ Bạch Thạch đến Dàn Bò với chiều dài khoảng 4 km.
Đường số 1 bị chặn hoàn toàn, mối liên hệ giữa cánh Bắc với cánh Nam Quân khu 1 VNCH bị cắt đứt, Huế như "trứng để đầu đẳng" và kết cục như thế nào không cần nói ai cũng biết!
(Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong cuốn "Tổng hành dinh trong mùa Xuân đại thắng"- Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và "Chiến trường mới"- Hồi ký của Thượng tướng Nguyễn Hữu An).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét