Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

BÃO THÉP 2- ÁP THẤP ĐƯỜNG SỐ CHÍN- Kỳ 11


         Chỉ ít ngày sau Bộ Tổng Tham mưu đã có Chỉ thị về việc giúp đỡ Quân giải phóng nhân dân Lào và làm tham mưu cho Bộ Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam về sử dụng xe tăng gửi xuống binh chủng. Do đã có chuẩn bị trước nên việc triển khai thực hiện của binh chủng rất nhanh chóng. Một đoàn hơn ba mươi cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn H02 do đích thân trung đoàn trưởng Lê Xuân Kiệm dẫn đầu đã lên đường sang nước bạn. Đoàn xuất phát vào đúng dịp sinh nhật Bác Hồ nên lấy phiên hiệu là đoàn 195.
          Mặc dù bị không quân địch ngăn chặn nhưng chỉ sau ba ngày, ba đêm đoàn đã có mặt tại sở chỉ huy Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Người ra đón đoàn chẳng phải ai xa lạ mà chính là Đỗ Văn Hảo, một cán bộ của binh chủng được cử sang Lào làm chuyên gia về tăng thiết giáp. Người cùng trung đoàn cũ nên gặp nhau tay bắt mặt mừng. Hàn huyên một lúc thì Kiệm bảo Hảo:
          - Bây giờ cậu cho tớ biết tình hình bên này đi! Anh em vừa mới sang còn lạ lẫm lắm, mà hình như tình hình bên này khá phức tạp phải không?
          Hảo tươi cười:
          - Báo cáo anh! Thực ra tôi ở đây đón các anh cũng là muốn cung cấp tình hình cho các anh rõ ngay khi mới sang, căn cứ vào đó để các anh lập kế hoạch công tác cho phù hợp.
          Kiệm sốt ruột:
          - Biết rồi! Cậu báo cáo ngay đi!
          Hảo vẫn điềm tĩnh:
          - Trước hết xin báo cáo với anh về tình hình chung bên này. Nói chung chính trường bên này khá phức tạp, rất nhiều lực lượng tham gia. Về phía ta, cứ tạm gọi như thế thì có lực lượng của Mặt trận Pa- thét Lào và lực lượng trung lập. Còn phía bên kia có quân đội Hoàng gia, quân đội đánh thuê Thái Lan và lực lượng đặc biệt của Vàng Pao nhưng đều do Mỹ nuôi dưỡng và chỉ huy. Đáng chú ý trong số này có lực lượng đặc biệt Vàng Pao, bọn chúng hoạt động theo kiểu thổ phỉ và rất hung hãn. Hiện nay chúng đang tổ chức các cuộc tiến công nhằm mở rộng vùng kiểm soát. Thực hiện âm mưu đó chúng đã đánh chiếm được Mường Sủi và các khu vực xung quanh làm bàn đạp tiến công Cánh Đồng Chum- Xiêng Khoảng.
          Kiệm cắt ngang:
          - Thôi! Bây giờ cậu cho tớ biết ngay về tình hình xe tăng bên này xem nào!
          Đã biết Kiệm là người nóng tính, hay sốt ruột nên Hảo pha trò:
          - Gớm! Anh vẫn cứ như ngày xưa, lúc nào cũng cứ sốt sồn sột cả lên! Về lực lượng tăng thiết giáp của bạn nhìn chung là còn rất mỏng, xe thì chủ yếu là PT76 do Liên Xô viện trợ trước đây. Tuy nhiên trình độ kỹ thuật cũng như tính kỷ luật của bộ đội thì nói thực ra là rất yếu kém. Công tác bảo đảm cũng manh mún, không chính quy nên xe cộ xuống cấp, hư hỏng nhiều.
          Kiệm gật đầu:
          - Thôi, được rồi! Ngày mai anh dẫn chúng tôi đi khảo sát cụ thể rồi mới lên kế hoạch sửa chữa được.
          Dẫu có giầu trí tưởng tượng đến đâu Kiệm cũng không thể hình dung ra được xe pháo của bạn lại “nát” đến như vậy. Sờ đến xe hỏng đằng xe, sờ đến vũ khí, điện đài hỏng đằng vũ khí, điện đài. Tất cả pháo trên xe từ ngày nhận về chưa một lần kiểm tra, bổ sung hay thay dầu hãm lùi, đẩy lên. Thế này mà đem bắn thì chỉ có chết cả nút. Nhưng khi hỏi đến khí tài, vật tư thì chỉ nhận được những cái lắc đầu: “không có, không biết ở đâu”. Không còn cách nào hơn Kiệm ngán ngẩm bảo cậu trợ lý kỹ thuật:
          - Thôi thì cứ kiểm tra, ghi chép lại tình trạng kỹ thuật của từng xe, hỏng hóc những bộ phận nào rồi thống kê xem nhu cầu từng loại vật tư cần bao nhiêu. Sau đó sẽ đi tìm, nếu cần thì điện về nhà chở sang.
          Thực ra thì vật tư của bạn không thiếu, chỉ có điều công tác thống kê, quản lý thiếu chặt chẽ và khoa học nên không biết đâu mà lần. Chỉ qua gần một tuần lùng sục ở mấy cái kho quanh đó quân của Kiệm đã tập hợp đầy đủ, có phần còn dư dật các loại vật tư, khí tài cần thiết. Thêm hai tuần làm việc cật lực nữa đoàn của Kiệm đã khôi phục hoàn chỉnh gần chục xe tăng PT76 cho bạn. Kiệm bảo Hảo:
          - Cậu ở bên này cần chú ý giúp cho bạn về công tác quản lý. Phải xây dựng và duy trì thực hiện đầy đủ chế độ bảo quản, bảo dưỡng nữa chứ cứ như thế này thì chẳng mấy chốc lại trở thành đống sắt vụn.
          Hảo gật đầu:
          - Tôi xin tiếp thụ ý kiến của anh. Thực ra việc này tôi đã làm nhưng anh em trình độ văn hóa thấp, tiếp thu rất khó khăn. Ngoài ra như đã nói với anh ý thức tổ chức kỷ luật của họ cũng yếu, thích thì làm chết thôi, còn không thích thì mặc kệ.
          Hai anh em đang trao đổi công việc thì một người tầm thước bước vào, Hảo vội đứng dạy đứng nghiêm chào và giới thiệu với Kiệm:
          - Xin giới thiệu với anh đây là đồng chí Tổng Tư lệnh Quân đội giải phóng nhân dân Lào. Còn xin giới thiệu với đống chí đây là đồng chí Lê Xuân Kiệm, đoàn trưởng đoàn cán bộ, nhân viên kỹ thuật của binh chủng Thiết giáp Việt Nam cử sang giúp ta khôi phục số xe tăng bị hư hỏng.
          Người đứng đầu quân đội cách mạng Lào thân mật bắt tay Kiệm, ông hỏi anh bằng thứ tiếng Việt rất chuẩn:
          - Đồng chí có khỏe không? Sang đây ăn uống có hợp khẩu vị không?
          Kiệm hơi ngỡ ngàng trước dáng vẻ, phong thái cũng như khả năng nói tiếng Việt của người chỉ huy quân đội bạn. Anh thấy có cái gì đó thật gần gũi như khi anh được tiếp xúc với người anh Cả của quân đội Việt Nam. Kiệm đứng dậy lễ phép:
          - Báo cáo đống chí! Chúng tôi sang đây cũng như đang ở Việt Nam thôi ạ. Anh em đều khỏe, ăn uống đầy đủ và ngon miệng- Điều này thì anh nói thật vì anh vốn là người dễ tính, ăn uống thế nào cũng được và ăn rất khỏe.
          Chuyên gia Hảo xen vào:
          - Báo cáo đồng chí! Sau gần hai mươi ngày làm việc tích cực đoàn của anh Kiệm đã giúp “ta” khôi phục được 9 xe PT76 hoàn chỉnh, có thể bước vào chiến đấu được ngay.
          Người chỉ huy quân đội cách mạng Lào lại đưa tay bắt tay Kiệm:
          - Xin cảm ơn đồng chí và toàn thể anh em trong đoàn- Ông hơi trầm giọng xuống- Đồng chí thông cảm, anh em chiến sĩ của chúng tôi còn nhiều hạn chế nên đã để xảy ra tình trạng này. Đồng chí Hảo ở bên này đã cố vấn cho chúng tôi nhiều nội dung nhưng chuyển biến còn rất chậm. Tôi mong rằng lần này ngoài việc giúp chúng tôi khôi phục xe cộ các đồng chí nên dành thời gian huấn luyện thêm cho anh em. Và nếu có điều kiện thì giúp anh em đánh một vài trận cho vững vàng rồi hãy về. Còn trưa nay mời các đồng chí trong đoàn ăn với tôi một bữa cơm “xa- ma- khi”. Thế nhé! Hẹn trưa gặp lại.
          Ông nói và bắt tay hai người rồi đi ra. Còn lại hai anh em ngồi lặng phắc, một lúc sau Hảo mới lên tiếng:
          - Ý kiến của đồng chí ấy như thế anh thấy thế nào?
          Kiệm hơi gắt:
          - Còn thế nào nữa? Đồng chí ấy nói thì cũng như Bộ trưởng của ta nói, đó là mệnh lệnh. Chiều nay tôi với cậu sẽ lên gặp các anh ở Bộ tư lệnh quân tình nguyện để tìm hiểu kỹ hơn về địch. Trên cơ sở đó ta sẽ lựa chọn mục tiêu và sẽ tổ chức cho anh em người ta đánh một vài trận.
          Hảo mừng rỡ:
          - Thế thì tốt rồi! Bây giờ ta sang ăn cơm đi không các đồng chí ấy chờ.
          Bữa cơm của Tổng tư lệnh quân giải phóng nhân dân Lào chiêu đãi đoàn cán bộ, chiến sĩ xe tăng có đủ các món ăn Lào- Việt và diễn ra thật vui. Riêng với Kiệm chưa khi nào anh thấy ngon miệng đến thế.
          Ngay chiều hôm ấy Kiệm và Hảo tới sở chỉ huy Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Khi được biết ý định của Kiệm sẽ cho đại đội xe tăng của Quân giải phóng nhân dân Lào tham gia đánh một số trận Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam rất phấn khởi, ông nói ngay:
          - Mục tiêu thì nhiều nhưng hiện nay có một mục tiêu mà chúng tôi cần giải quyết ngay là căn cứ pháo binh Nậm Soong. Ở đó nó có hơn chục khẩu pháo từ 105 đến 155 mi- li- mét của quân Thái Lan. Bọn này nó tác oai tác quái lắm, hứng lên lúc nâò là nó giã vào đầu mình lúc đó. Nó lại được bảo vệ nghiêm ngặt. Nói chung nó là một căn cứ hỏa lực khá mạnh. Nếu các anh đồng ý thì tôi sẽ điều thêm một đại đội quân tình nguyện cùng tham gia chiến đấu.
          Được lời như cởi tấm lòng, Kiệm và Hảo trở về tiến hành công tác chuẩn bị. Tuy nhiên khi bước vào chuẩn bị mới thấy phát sinh nhiều khó khăn: 9 xe mới khắc phục được thì có 6 xe của quân giải phóng Lào, còn 3 xe của lực lượng trung lập. Ngay trong 6 xe của quân giải phóng thì trình độ cán bộ, chiến sĩ cũng không đồng đều. Kiệm quyết định sẽ chỉ sử dụng 6 xe của quân giải phóng hình thành một đại đội, trong đó cài vào hai kíp xe của ta. Việc chỉ huy đại đội vẫn để bạn làm, còn chỉ huy xe tăng tại sở chỉ huy anh sẽ trực tiếp đảm nhiệm. Rất may là cán bộ đại đội của bạn đều biết tiếng Việt nhưng Kiệm yêu cầu hai kíp xe của ta phải cấp tốc học tiếng Lào để liên lạc được với bạn qua đài vô tuyến. Còn lại anh bố trí cán bộ xuống huấn luyện thêm cho bạn về chiến thuật.
          Ấy thế mà cái đại đội liên quân có vẻ như vá víu ấy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngay lần xuất quân đầu tiên họ đã tiêu diệt căn cứ pháo binh Nậm Soong. Thừa thắng xông lên Kiệm đề nghị cho sử dụng xe tăng tiến công Bản Khai. Đây là một cứ điểm quan trọng trong hệ thống phòng thủ Mường Sủi. Kết quả thật mỹ mãn. Xe tăng của đại đội đã dũng mãnh thọc sâu, dẫn dắt bộ binh và các lực lượng khác làm chủ Bản Khai sau gần một giờ nổ súng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Mường Sủi. Hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, cuối tháng Tám đoàn 195 về nước.

            ***

          Tháng Chín năm 1969. Một tin sét đánh đến với mọi người dân Việt Nam: Bác Hồ đã mất. Không biết có phải Đất Trời cũng tỏ lòng tiếc thương người con vĩ đại của dân tộc mà đổ mưa tầm tã suốt mấy ngày. Cái xóm nhỏ ven chân Tam Đảo cũng ngập trong tang tóc, đau thương, những tàu lá cọ cứ rũ xuống trong màn mưa như những ngọn quốc kỳ treo rủ.
          Từ lúc được chủ nhiệm chính trị Thu báo tin này quyền tư lệnh Đào vẫn ngồi thu lu trên ghế để mặc hai dòng nước mắt chảy dài trên gò má. Từ khi vào quân ngũ đây là lần thứ hai ông khóc trước mặt người khác. Nhưng hình như chủ nhiệm chính trị Thu cũng chẳng để ý gì đến điều đó vì chính ông cũng đang sụt sùi, hai mắt mọng đỏ.
          Đối với quyền tư lệnh Đào, Bác Hồ không phải là một con người bình thường mà là một vị Thánh. Có chút chứ nghĩa trước khi tham gia cách mạng ông thấu hiểu những khó khăn mà phong trào cách mạng đang phải đối mặt. Thế mà như có phép tiên, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng mà đứng đầu là Bác toàn dân ta đã giành lại độc lập cho dân tộc từ tay phát xít Nhật và thực dân Pháp để lập nên nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Thế rồi  nhà nước non trẻ đó lại như “trứng để đầu đẳng” trước cuộc xâm lăng lần thứ hai của giặc Pháp. Nhưng rồi một lần nữa đất nước ta lại vượt qua tất cả khó khăn để làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu, bắt một đế quốc hùng mạnh như Pháp phải chấp nhận thất bại. Để lãnh đạo một dân tộc nghèo nàn, lạc hậu lập nên những kỳ tích đó theo ông dứt khoát không phải người phàm mà phải là một vị Thánh.
          Chính vì vậy dù được tận mắt nhìn thấy Bác đến úy lạo và nói chuyện với bộ đội sau chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng niềm tin của ông vẫn không thay đổi. Lúc đó Đào đang là trung đoàn phó một trung đoàn bộ binh chủ lực nên đứng ngay hàng đầu. Khi Bác và Đại tướng Tổng Tư lệnh đi dọc theo hàng quân chào các đơn vị để ra về, trung đoàn phó Đào bất giác có một quyết định hết sức bất ngờ: “phải sờ bằng được vào người Bác xem có đúng Bác là người không hay là thần thánh”. Nghĩ là làm, lúc Bác đi ngang qua trước mặt Đào vươn người ra phía trước để chạm tay vào Người. Nhưng bộ phận bảo vệ đã không cho anh thực hiện ý định, ngay lập tức Đào bị bắt giam và xét hỏi. Người ta nghi cho anh là Việt gian, có ý định ám sát lãnh tụ.
          Thật may cho Đào, Đại tướng Tổng Tư lệnh đã chứng kiến từ đầu đến cuối câu chuyện. Ông không tin một trung đoàn phó đã tham gia cách mạng từ khi còn trứng nước lại có thể làm chuyện ấy nên đã để tâm tìm hiểu kỹ. Khi biết ý định thực của người cán bộ trẻ tuổi đó Tổng Tư lệnh đã ra lệnh thả Đào ra. Và còn hơn thế nữa: sau khi được ra khỏi trại giam một cán bộ đến bảo Đào đi theo anh ta. Đến trước một căn lán nhỏ đơn sơ giữa rừng anh ta bảo anh đứng chờ rồi vào báo cáo. Một lát sau anh ta ra hiệu cho Đào vào. Đào đã không tin vào mắt mình nữa: bên bộ bàn ghế tre kê giữa nhà là Tổng Tư lệnh và... Bác Hồ. Xúc động không nói lên lời Đào đứng ngây ra như tượng. Tổng Tư lệnh nhỏ nhẹ nói:
          - Đồng chí vào đây!- Rón rén từng bước Đào tiến vào trong lán đến sát bộ bàn ghế thì đứng lại, Đại tướng quay sang phía Bác tiếp tục- Thưa Bác, đồng chí đó đây ạ!
          Bác mỉm cười độ lượng, đôi mắt hiền từ nhưng như đọc được hết tâm can người đối diện. Người khẽ hỏi:
          - Có phải chú định sờ vào người Bác phải không? Thế chú định sờ vào làm gì?
          Lấy lại bình tĩnh Đào ngập ngừng nói:
          - Thưa Bác! Cháu muốn sờ vào người Bác để xem Bác là Người hay là thánh thần ạ!
          Bác cười, chòm râu dài rung rung như cũng cười rồi Người đưa tay ra:
          - Nào, bây giờ thì chú sờ đi!
          Đào xúc động gần như khuỵu gối xuống, anh đưa tay ra chạm vào tay Bác, bàn tay Người nắm lại như bắt tay anh. Rồi tiếng Người hồn hậu vang lên:
          - Chú có thấy Bác đúng là người không?
          Đào đứng thẳng dậy bẽn lẽn:
          - Dạ! Đúng ạ!
          Bác lại cười:
          - Vậy sao chú nghĩ Bác là thánh thần?
          Ngẩn ra một lát Đào mới cất được lời:
          - Thưa Bác! Cháu nghĩ người thường thì không thể lãnh đạo được dân tộc ta vượt qua bao khó khăn để giành thắng lợi như ngày nay được ạ!
          Bác hơi nghiêm mặt lại:
          - Chú thấy rồi đấy! Bác cũng là người bằng xương, bằng thịt, cũng máu đỏ, da vàng như chú Văn, như chú và mọi đồng bào, chiến sĩ cả nước- Giọng Người hơi trầm xuống, nhấn mạnh từng tiếng- Còn để làm được như thế thì phải học. Chú biết không? Phải học! Nhất là các chú, còn trẻ như vậy lại càng cần phải học nhiều hơn. Chú nhớ chưa?
          Đã bình tâm hơn Đào nói nhanh:
          - Thưa Bác! Cháu nhớ rồi ạ! Thực ra cháu cũng biết vậy nhưng chúng cháu đang phải chỉ huy đơn vị, không có thời gian để đi học ạ.
          Lần này thì Bác nói nhỏ nhưng rất rành rẽ:
          - Chú chưa hiểu ý Bác rồi. Có phải cứ cắp sách đến trường mới là học đâu! Người ta không chỉ học trong trường lớp mà còn phải học trong sách vở, học ở thực tế, học lẫn nhau và nhất là học ở dân. Chính nhân dân là kho tàng tri thức vô tận mà nếu biết khai thác chúng ta sẽ trở thành vô địch- Giọng Bác trở lại hiền từ- Bây giờ thì chú thỏa mãn rồi chứ? Thế thì chú về đi! Cố gắng học hỏi nhiều để lãnh đạo đơn vị cho tốt.
          Mấy phút ngắn ngủi được ở bên Bác trở thành một kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời ông Đào. Mặc dù biết chắc chắn Bác là người chứ không phải thánh thần nhưng ông vẫn nhất quyết cho rằng đó là một Con Người phi thường. Và những lời dạy của Bác đã trở thành kim chỉ nam cho hành động của ông. Ông lao vào học hỏi không biết mệt và cái vốn tri thức mà ông có được hôm nay chính là kết quả cả quá trình ấy.
          Thế mà hôm nay Bác đã đi xa! Tổn thất này là quá lớn lao đối với dân tộc cũng như đối với bản thân ông Đào. Ông tự hứa với mình từ nay sẽ phải làm việc tốt hơn, cống hiến nhiều hơn nữa sức lực và trí tuệ cho Đảng, cho dân.
          Chiều hôm đó nhà ăn cơ quan vắng tanh. Nhiều người đã bỏ cơm, trong đó có cả quyền tư lệnh Đào, chính ủy Ngọc. Còn mưa cứ tầm tã suốt đêm.
          Ngày hôm sau Bộ Tư lệnh bàn việc chuẩn bị tổ chức Lễ truy điệu Người Cha Già dân tộc một cách thật trọng thể. Chính ủy Ngọc mời quyền tư lệnh Đào và chủ nhiệm chính trị Thu đến trao đổi. Ông nói trong nước mắt:
          - Đau thương thì cũng đau thương rồi, mất mát cũng mất mát rồi. Bây giờ ta phải làm thế nào để lấy lại khí thế cho đơn vị các anh ạ?
          Chủ nhiệm chính trị Thu gật đầu đồng tình:
          - Tôi đồng ý với anh Ngọc. Khí thế các đơn vị trầm quá mà sắp đến kỷ niệm mười năm thành lập Binh chủng rồi.
          Chính ủy Ngọc đưa ra ý kiến:
          - Theo tôi, nhân dịp lễ truy điệu Bác ta phát động một đợt thi đua đột kích chào mừng kỷ niệm mười năm thành lập Binh chủng với những chỉ tiêu thật cụ thể. Chủ đề của đợt thi đua có thể là: “Biến đau thương thành hành động cách mạng, thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, bảo quản trang bị tốt, sẵn sàng chiến đấu cao”- Thấy quyền tư lệnh Đào vẫn lạnh tanh chính ủy Ngọc hỏi lại- Ý kiến anh Đào thế nào? Chúng tôi định làm thế anh thấy có được không?
          Quyền tư lệnh Đào mặt vẫn lạnh băng nói một cách dứt khoát:
          - Các anh muốn làm thế nào thì làm! Còn tôi nhất định phải về Hà Nội viếng Bác.

            ***

          Tin Bác mất đến với đại đội 9 khi họ vừa chuyển đến một vị trí mới. Lợi dụng mùa mưa bọn Mỹ lại tổ chức một cuộc hành quân lên A Sầu- A Lưới nhằm đánh bật lực lượng của ta ra và giành lại quyền kiểm soát khu vực này. Suốt gần một tuần dùng B52 rải thảm chúng đã biến cái thung lũng xanh tươi đó thành một đống hổ lốn đất đá, cành cây, mảnh kim loại bên những hố bom nham nhở. Sau đó là hàng đàn máy bay trực thăng đổ quân xuống những vị trí trọng yếu. Những trận kịch chiến đã xảy ra giữa hai bên mà trong đó nổi tiếng là trận đánh trên đồi Thịt Băm (đồi Hăm- bơ- gơ theo cách gọi của lính Mỹ). Một tiểu đoàn của ta chốt giữ ở đó đã chiến đấu anh dũng với một tiểu đoàn kỵ binh có sự yểm trợ hùng hậu của trực thăng vũ trang và pháo binh tầm xa. Kết thúc trận đánh hai bên cùng tổn thất khá nhiều, bọn Mỹ phải bốc quân rời khỏi để lại chiến trường những xác chết ngổn ngang. Nhưng rồi một trận bom B52 lại xóa sạch dấu vết.
          Chấp hành chỉ thị của mặt trận, đại đội tăng 9 tiếp tục lùi sâu vào phía nam để bảo toàn lực lượng. Từ đầu mùa mưa tới nay tiêu chuẩn ăn đã rút xuống còn bốn lạng gạo một ngày, cộng với sốt rét hoành hành làm quân số khỏe của đại đội giảm đi trông thấy. Ở xe 567 chỉ có Hòa là chưa bị sốt, có vẻ như nước da đen bóng của cậu làm sun vòi mọi loại a- nô- phen nên ký sinh trúng không thể xâm nhập được. Còn cả Nhã, Cân, Thắng đều khật khừ. Cái cậu Thắng tồ trông to khỏe vậy nhưng khi sốt rét quật thì lại bị nặng nhất, cậu ta đã nằm bệt trong xe từ hơn tuần nay mà chưa ngóc đầu dậy được. Lúc nhận lệnh cơ động Cân đã cố gắng cầm cần lái nhưng mói đi được vài trăm mét thì gục xuống. Cũng may trong quá trình huấn luyện trước đây Hòa cũng đã được tập lái vài ki- lô- mét, rồi những đợt hành quân chỗ đường dễ đi cậu cũng được cho cầm lái vài lần nên Nhã quyết định để Hòa lái xe, còn Cân làm cố vấn. Lúc đầu còn chuyệch choạc nhưng sau cũng quen dần và cuối cùng rồi cũng đến được vị trí quy định.
          Chố trú quân mới của họ là một khe suối tít trong chân dãy núi cao nằm ngoài vùng đánh phá của B52 nên còn khá rậm rạp và xanh tốt. Mặc dù quân số thiếu hụt nhưng đại đội vẫn quy định phải nhanh chóng đào hầm xe, hầm người. Những xe nào ốm nhiều quá sẽ cho công binh đến hỗ trợ.
          Vừa mới tạm ổn định chỗ trú quân mới thì tin dữ đến. Lúc đó Tân và ban chỉ huy đại đội vừa hội ý xong. Chính trị viên Giỏ bật công tắc cái đài Li Do và vặn núm dò tần số, sau một hồi “rột rột, rẹt rẹt” tiếng nói rõ dần. Mấy anh em cùng ngạc nhiên vì giọng của người phát thanh viên khi thông báo “mời đồng bào, chiến sĩ cả nước nghe thông báo đặc biệt của Ban chấp hành trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” có vẻ không bình thường. Đại đội trưởng Nghi lẩm bẩm:
          - Không biết có chuyện gì xảy ra mà lại ra thông cáo đặc biệt thế này nhỉ?
          Giỏ vặn núm âm lượng, tiếng nói to dần. Mọi người im lặng lắng nghe. Khi vừa nghe hết câu “... Người đã qua đời vào lúc 9 giờ 47 phút ngày mồng 3 tháng Chín” thì Giỏ không kìm được nữa, anh òa khóc:
          - Bác... ơi! Bác Hồ... ơi!
          Tiếng khóc như có sức lây lan, cả Tân, cả ban chỉ huy đại đội và mấy anh em trong kíp xe 565 đều òa khóc. Một cậu còn vọt ra ngoài mưa chạy dọc theo ven suối, vừa chạy vừa gào:
          - Các đồng chí ơi! Bác Hồ mất rồi.
          Chẳng mấy chốc tin Bác mất đã lan khắp đại đội. Ở xe 567 Hòa là người biết tin này đầu tiên khi cậu lên “xê bộ” xin thuốc cho Thắng. Bỏ cả nắm thuốc lại đấy Hòa chạy như lao về phía xe mình, vừa chạy vừa khóc ròng. Chui vào hầm xe Hòa mới khóc rống lên:
          - Các cậu ơi! Bác Hồ mất rồi!
          Cả Nhã và Cân đều như không tin vào tai mình. Nhã giật giọng:
          - Cậu nói gì? Ai mất?
          Hòa khóc to hơn, giọng nói như chìm đi trong nước mắt:
          - Bác Hồ chứ còn ai!
          Nghe rõ rồi thì Nhã và Cân cũng òa lên khóc. Tiếng khóc làm Thắng đang nằm thiêm thiếp tỉnh lại. Cậu nằm yên lắng nghe một lúc thì giật người lên rồi lịm đi. Nhã thất thanh:
          - Hòa! Chạy đi gọi y sĩ mau- Hòa vọt ra giữa màn mưa dày đặc, Nhã hô Cân- Lại đây! Hô hấp nhân tạo cho nó đi!
          Lúc y sĩ Úy và Hòa về Thắng vẫn nằm thiêm thiếp. Sau một mũi trợ tim hơi thở cậu đã đều hơn. Úy đưa cho Nhã một vốc thuốc:
          - Chốc nữa cậu ấy tỉnh lại thì cho uống hết số thuốc này. Mà các cậu nữa, phải uống thuốc phòng cho đều đấy.
          Mưa vẫn rơi xối xả như đồng cảm cùng nỗi đau của con người. Tân nói với các cán bộ đại đội:
          - Các cậu bình tĩnh lại đi! Giờ không phải lúc khóc lóc. Gì thì gì cũng phải duy trì chế độ sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Đừng tưởng đã vào đến đây là an toàn rồi. Còn đợi hôm nào ngớt mưa ta sẽ tổ chức lễ truy điệu Bác sau. Bây giờ tản ra mà đi kiểm tra các trung đội xem sao.

          Mọi người cố nín khóc đội mưa đi ra nhưng nước mắt vẫn chảy dài. Ở xe 567 Cân lại gỡ tấm ảnh Bác trong cuốn sổ tay ra, cậu vừa sụt sùi vừa lấy cuộn băng dính cách điện viền xung quanh ảnh Bác thành một cái khung đen rồi đặt lên phía cuối hầm bên cạnh ngọn đèn dầu lúc nào cũng đỏ lửa.

2 nhận xét:

  1. Kính gửi bác Nguyễn Khắc Nguyệt,

    Cháu là một độc giả hâm mộ sách của bác. Cháu đọc 2 cuốn "Hành trình đến Dinh Độc lập" và "Trận đấu tăng 1 chọi 10" của bác, rất mê.

    Qua tìm hiểu trên internet, cháu tìm ra được blog này, nên mạnh dạn gửi qua đây để tỏ lòng biết ơn cống hiến trong thời chiến, và hâm mộ tác phẩm của bác trong thời bình.

    Cháu được biết bác còn có một bộ "Bão thép" 4 tập, nhưng cháu đi tìm ở các nhà sách không có; và tìm trên các trang bán sách điện tử như Tiki.vn cũng không có.

    Cháu rất mong bác cho cháu biết có thể tìm mua bộ "Bão thép" ở đâu. Nếu tiện, bác có thể trả lời cháu qua email của cháu: tranhanguyen@gmail.com

    Một lần nữa, cháu chân thành cảm ơn bác đã chiến đấu và viết văn để lứa chúng cháu hiểu biết thêm về lịch sử.

    Trân trọng,
    Trần Hà Nguyên

    email: tranhanguyen@gmail.com

    Trả lờiXóa