Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019

LỜI NHẮN GỬI CỦA CÁC LIỆT SỸ LÍNH XE TĂNG

Kính tặng hương hồn LS Trần Quang Nhàn và các LS kíp xe 707, 377...
Người ta chết thì về với đất
Còn Lính xe tăng chúng tôi-
Thành khói bốc lên giời!
Chỉ để lại muôn vàn thương nhớ
Và những bài ca bi tráng đến muôn đời!
Xin gửi lại muôn ngàn mơ ước
Về những giảng đường áo trắng tinh khôi
Về nhà máy, công trường, đồng lúa
Và đàn em như những đóa hoa tươi
Xin gửi lại những điều tốt đẹp
Cho cuộc đời, cho những người thân
Cho quê hương đã chịu nhiều đau khổ
Hết chiến tranh sẽ tươi đẹp nghìn lần
Còn chúng tôi sẽ ngao du bốn biển
Khắp đất trời, biển rộng sông sâu
Để ngắm nhìn non sông gấm vóc
Và một Việt Nam mãi mãi mạnh giàu!


Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2019

CTBGPB1979- TYPE GÌ THÌ TYPE, K GÌ THÌ K- CỨ ĐỤNG ĐẾN VIỆT NAM LÀ TAN XÁC

Xe tăng Trung Quốc: "Type gì thì Type, K gì thì K" - Động đến Việt Nam chỉ có một kết cục là tan xác
Xe tăng Trung Quốc bị bắn cháy ở Cao Bằng tháng 2-1979.

Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam 1979, phía Trung Quốc đã huy động tới 6 trung đoàn xe tăng thuộc các quân đoàn, quân khu Quảng Tây và Côn Minh với số lượng lên tới 550 chiếc.

Tuy nhiên, về chủng loại thì chủ yếu có 2 loại - đó là xe tăng Type 62 và xe thiết giáp chở quân K63.
Xe tăng Type 62
Xe tăng hạng nhẹ kiểu 62 (Type 62) là loại xe tăng do hãng Norinco của Trung Quốc sản xuất. Đây là một phiên bản thu nhỏ của xe tăng T-59 (1 bản sao của xe tăng T-54) nên hình dạng của nó rất giống T-54A nhưng nhỏ hơn, giáp mỏng hơn, pháo nhỏ hơn. Tên công nghiệp của nó là WZ132. Ở Việt Nam, nó được gọi là xe tăng T-58.
Tính năng chủ yếu:
Loại: xe tăng hạng nhẹ. Khối lượng: 21 tấn; Kíp chiến đấu: 4 người (Trưởng xe, lái xe, pháo thủ và nạp đạn).
Chiều dài: 7,9 m (cả pháo) hoặc 5,6 m (chỉ riêng thân xe); Chiều rộng: 2,9 m; Chiều cao: 2,3 m.
Chiều dày vỏ giáp: 35 mm (tối đa ở thân xe), 15 mm (tối thiểu ở thân xe), 50 mm ở tháp pháo.
Vũ khí chính: Pháo 85mm kiểu 62-85TC. Cơ số đạn: 47 viên.
Vũ khí phụ: Súng máy song song loại K53 cỡ 7,62mm. Cơ số đạn 2000 viên.
Súng máy cao xạ DShK 12,7mm loại 54, cơ số đạn 1.250 viên hoặc súng máy K53 cỡ 7,62mm.
Động cơ: Diesel kiểu 12150L-3 V-12, làm mát bằng nước. Công Suất: 430 mã lực (321 kW). Công suất riêng: 20,5 mã lực / tấn
Vượt chướng ngại vật - Vượt tường cao 0,8 m; Hào chống tăng: 2,85 m; Vượt dốc và đi dốc nghiêng: 30°; khả năng lội nước sâu: 1,4 m (5 m khi được trang bị một ống thở).
Tầm hoạt động: 500km; Tốc độ: 35-60km/h
Xe tăng Trung Quốc: Type gì thì Type, K gì thì K - Động đến Việt Nam chỉ có một kết cục là tan xác - Ảnh 2.
Xe tăng Trung Quốc bị Sư đoàn 346 tiêu diệt ở Bản Sẩy, Hòa An, Cao Bằng sáng 18-2-1979.
Khi xe tăng Type-59 được sản xuất, nó đã gặp nhiều khó khăn khi hoạt động ở vùng phía nam Trung Quốc. Đây là khu vực mà địa hình bị chia cắt nhiều, chủ yếu bao gồm các dãy núi, đồi, ruộng lúa, hồ và sông ngòi mà cầu đều yếu không chịu được trọng lượng của xe tăng T-59 hay T-54.
Qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm đến năm 1963 thì việc nghiên cứu kết thúc và mẫu chính thức Type-62 ra đời, được biên chế vào quân đội TQ.Vì vậy, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã đề nghị sản xuất một loại xe tăng có sức chiến đấu lại tương đương T-54 nhưng có thể hoạt động dễ dàng ở khu vực này.
Xe tăng Type-62 sau đó cũng được xuất khẩu hoặc viện trợ cho một số quốc gia khác trên thế giới như Anbania, Bangladesh, Bắc Triều Tiên, Congo, Mali, Sudan, Tanzania, Cambodia.
Do vỏ giáp mỏng, khối lượng nhẹ hơn, lại có công suất riêng khá lớn (hơn 20 mã lực/ tấn) nên Type-62 có khả năng cơ động việt dã tương đối tốt, thích hợp với nhiều loại địa hình.
Trong khi đó, pháo 85 mm với cơ số đạn 47 viên đủ các loại đạn nổ phá sát thương, xuyên và xuyên dưới cỡ cộng với 2 khẩu đại liên trên xe cũng là một cụm hỏa lực đáng kể.
Song cũng do vỏ giáp mỏng nên khả năng phòng vệ của Type-62 khá yếu, chúng dễ dàng bị các loại đạn chống tăng B40, B41,DKZ xuyên thủng và đốt cháy. Mặt khác, do xích mỏng mảnh, bụng xe cũng mỏng nên nếu gặp mìn chống tăng sẽ bị loại khỏi vòng chiến đấu.
Trong thực tế chiến đấu tại biên giới phía Bắc, các đơn vị của Việt Nam đã tiêu diệt khoảng hơn 100 xe Type-62. Đặc biệt, chỉ 1 đại đội song với lối đánh phù hợp, bộ đội ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 12 xe Type-62 trong một trận đánh tại Cao Bằng.
Với những ưu khuyết điểm như vậy, hiện tại Type 62 tuy vẫn còn được sử dụng trong Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cùng quân đội một số quốc gia khác song chúng đang được hiện đại hóa dần lên.
Xe tăng Trung Quốc: Type gì thì Type, K gì thì K - Động đến Việt Nam chỉ có một kết cục là tan xác - Ảnh 4.
Xe thiết giáp chở quân K63
Xe thiết giáp chở quân K63 là cách gọi của Việt Nam đối với loại xe bọc thép chở quân Type 63 (tên công nghiệp YW-531) do Tổng Công ty Công nghiệp phương Bắc Trung Quốc sản xuất, chính thức đi vào biên chế năm 1964. Ngoài sử dụng nội địa, xe K63 còn được xuất khẩu hoặc viện trợ cho một số nước, trong đó có Việt Nam.
Các tính năng chủ yếu:
Trọng lượng chiến đấu: 12,8 tấn. Kíp xe: 2 người (Trưởng xe và lái xe). Chiều dày vỏ thép: 14 mm.
Xe dài: 5,476 mét; Xe rộng: 2,978 mét; Xe cao: 2,510 mét và 2, 563 (tính cả súng 12, 7mm); Đáy xe cách mặt đất: 0,433 mét.
Động cơ diesel công suất 260 mã lực; Công suất riêng: 20,3 mã lực/tấn; Tốc độ lớn nhất trên cạn: 60 km/h; Tốc độ bơi lớn nhất: 6 km/h. Hành trình trên bộ: 500 km; Hành trình bơi nước: 60 km.
Khả năng vượt chướng ngại vật - Vượt tường cao: 0,6 mét; Vượt hào: 2,1 mét; Lên dốc: 32o; Xuống dốc: 30o; Đi dốc nghiêng: 25o; Dốc bến lên: 20o; Dốc bến xuống: 25o.
Vũ khí: 01 khẩu đại liên 12,7 mm
Khả năng chuyên chở tối đa: 13 người (1tiểu đội bộ binh).
Thân xe thiết giáp Type-63 làm bằng thép hàn, chỗ dày nhất đạt 14 mm có khả năng chống lại các loại vũ khí bộ binh cỡ nhỏ.
Vị trí động cơ ở phía trước góp phần nâng cao khả năng bảo vệ cho bộ binh. Cửa lên xuống ở phía sau tạo điều kiện lên xuống thuận lợi và nâng cao khả năng sống còn cho bộ binh trong quá trình chiến đấu.
Xe có trọng lượng nhẹ và công suất riêng khá lớn (20,3 mã lực/tấn) nên khả năng cơ động việt dã khá cao trên mọi dịa hình. Xe có khả năng bơi khi tốc độ nước không quá 1m/s và gió cấp 3 nên đảm bảo khả năng vượt các vật cản nước tương đối tốt, đặc biệt là sông hồ trong nội địa.
Xe tăng Trung Quốc: Type gì thì Type, K gì thì K - Động đến Việt Nam chỉ có một kết cục là tan xác - Ảnh 5.
Xe thiết giáp chở quân K63 của Trung Quốc trên đường rút chạy.
Xe được trang bị 1 đại liên cỡ 12,7 mm có uy lực khá mạnh. Xe có 2 cửa nóc nên bộ binh có thể nhô ra chiến đấu khi đang cơ động. Khi kết hợp đại liên 12,7 mm với các loại vũ khí của tiểu đội bộ binh trên xe sẽ tạo thành một ổ hỏa lực tương đối mạnh.
Bộ xích của xe cũng mỏng mảnh, dễ bị trật, đứt khi đi qua các địa hình phức tạp. Bên cạnh đó, xe bơi bằng xích nên nếu các hộp xích bị móp méo, hỏng thì xe sẽ mất khả năng bơi.Tuy nhiên, nhược điểm của loại xe này là vỏ giáp mỏng nên khả năng bảo vệ tương đối yếu. Nó dễ dàng bị tiêu diệt bởi các loại súng chống tăng B40, B41, DKZ, mìn chống tăng và cả súng bộ binh cỡ lớn như 12,7 mm, 14,5mm...
Trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, đã có khoảng hơn 100 xe loại này bị các đơn vị của Việt Nam loại khỏi vòng chiến đấu.
Tuy vậy, do sự tiện lợi trong sử dụng với danh hiệu "ta-xi chiến trường" cho đến nay Type-63 vẫn đang được sử dụng trong quân đội của nhiều nước.
Nguồn: http://soha.vn/xe-tang-trung-quoc-type-gi-thi-type-k-gi-thi-k-dong-den-viet-nam-chi-co-mot-ket-cuc-la-tan-xac-20190213153702265.htm

CTBGPB1979- DÙ CHIẾN THUẬT "BIỂN NGƯỜI" HAY "BIỂN XE TĂNG" TRUNG QUỐC CŨNG ĐỀU THẢM BẠI





Chiến tranh biên giới 1979: Dù chiến thuật "biển người" hay "biển xe tăng", Trung Quốc đều thảm bại

Trong đợt tấn công Việt Nam tháng 2/1979, riêng về tăng thiết giáp, Trung Quốc đã huy động 6 trung đoàn với tổng số 550 chiếc.

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tháng 2/1979, Trung Quốc đã sử dụng 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn) cùng nhiều đơn vị binh chủng với quân số lên tới hơn 60 vạn.
Riêng về tăng thiết giáp, Trung Quốc đã huy động 6 trung đoàn với tổng số 550 chiếc. Mặc dù chiến sự trải dài trên toàn tuyến biên giới song số cửa khẩu tăng thiết giáp có thể vượt qua chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Chiến tranh biên giới 1979: Dù chiến thuật biển người hay biển xe tăng, Trung Quốc đều thảm bại - Ảnh 1.
Xe tăng Trung Quốc ồ ạt tiến vào Việt Nam sáng ngày 17/2/1979.
Vì vậy, không hề nói quá khi kết luận rằng trong cuộc tấn công này, Trung Quốc không chỉ sử dụng chiến thuật "biển người" mà còn sử dụng cả chiến thuật "biển xe tăng". Nhưng dù cho có dùng chiến thuật gì đi chăng nữa thì số phận quân xâm lược đều giống nhau mà thôi.
Chiến tranh biên giới 1979: Dù chiến thuật biển người hay biển xe tăng, Trung Quốc đều thảm bại - Ảnh 2.
Đó là trận đánh của Đại đội 10, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 851, Sư đoàn 346, Quân khu 1 ngày 18-2-1979.
Bản Sẩy thuộc xã Bế Triều, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng ở về phía đông bắc đường 166 (thị xã Cao Bằng đi Hà Quảng), cách thị xã Cao Bằng 12km về phía tây bắc, cách biên giới Việt-Trung và mốc 113 khoảng 30km về phía đông nam. Dân cư chủ yếu là người Tày-Nùng, chỉ có dân quân ở lại còn đã sơ tán hết.
Bản Sẩy dài khoảng 600m, rộng 300m, nằm trên một ngọn đồi thấp, gồm 2 xóm: 1 và 2, cách nhau khoảng vài trăm mét. Xung quanh các xóm có lũy tre tương đối dày và kín đáo tiện giấu quân, bí mật, bất ngờ. Trong bản nhà ở thưa, làm bằng gỗ và xây gạch, có vườn, cách nhau 50-70m. Xa khoảng 1km là núi cao, rừng rậm khi cần cơ động được kín đáo.
Đường 166 từ mốc 113 qua Hà Quảng, ngã ba Đôn, huyện lị Hoà An theo đường 3 về thị xã Cao Bằng. Đường rộng 4-5m, trải đá dăm xe cơ giới đi lại thuận tiện, đoạn qua Bản Sẩy thấp hơn khu dân cư. Hai suối phía tây bắc và đông nam bản cách nhau 2km, rộng 6-7m có cầu bắc qua. Nếu 2 cầu bị phá xe cơ giới cơ động khó khăn.
Tóm lại, đoạn đường qua Bản Sẩy có thể tổ chức phục kích, khi cần thiết dựa vào địa hình làng mạc chuyển vào phòng ngự ngăn chặn địch, tạo thời cơ cho lực lượng ở thị xã chuẩn bị chiến đấu.
Chiến tranh biên giới 1979: Dù chiến thuật biển người hay biển xe tăng, Trung Quốc đều thảm bại - Ảnh 3.
Xe tăng Trung Quốc bị quân ta bắt giữ tại khu vực cầu Bản Sẩy, Hòa An Cao Bằng. Ảnh: Trần Mạnh Thường
Về phía Trung Quốc, sau khi chiếm Thông Nông, Thạch An, để phối hợp với các hướng Trà Lĩnh, Trùng Khánh, ngày 18.2.1979, 1 sư đoàn tăng cường có 1 phân đội xe tăng phái đi trước từ Thông Nông tiến theo đường 166 về thị xã Cao Bằng. Ta không nắm được ý định, lịch trình cụ thể.
Về phía ta, Đại đội 10 của Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 81, Sư đoàn 346 Quân khu 1 chuyển vào phòng ngự từ cuối năm 1978. Tổ chức biên chế của đại đội tương đối đủ, ngoài ra có phó chính ủy trung đoàn, phó chính trị viên tiểu đoàn đi cùng. Trang bị vũ khí có 1 ĐKZ 82mm, 1 cối 82mm, 2 cối 60mm, 12 B41, 1 đại liên, 7 trung liên, 60 AK và 1 máy VTĐ.
Ngày 17.2.1979, Đại đội 10 đang phòng ngự ở đèo Mã Phục cách thị xã 11km về phía đông bắc. 22h00 cùng ngày được lệnh cơ động về xã Đức Long cách thị xã 20km về phía tây bắc ngăn chặn địch từ Thông Nông tiến theo đường 166 về thị xã.
Sau khi nhận lệnh, đại đội tiến hành chuẩn bị và hành quân bằng 4 xe vận tải, khởi hành lúc 04h00 ngày 18.2. Lúc 05h30 ngày 18.2.1979, xe đến Bản Vạn cách vị trí quy định 10km dừng lại nghỉ. cán bộ tranh thủ hội ý xác định nơi sẽ chặn địch.
Trong lúc đang hội ý thì nghe tiếng súng phía tây bắc và thấy bộ binh địch xuất hiện cách khoảng 600-700m, sau khi trao đổi, phó chính uỷ cho đơn vị quay lại chọn địa hình có lợi đánh địch. Xe về đến Bản Sẩy thấy địa hình có lợi, phó chính ủy cho đại đội triển khai lực lượng ở đây.
Ý định chiến đấu: Tổ chức trận địa phục kích trên đoạn đường dọc theo xóm 1 dài 500-600m, chặn đầu ở đông nam xóm 1 (sát sông Bằng Giang), khoá đuôi ở cầu phía đông trạm xá. Đoạn chủ yếu giữa xóm 1 (200-300m). Bố trí lực lượng phục kích gần đường, cách khoảng 15-20m.
Tổ chức các bộ phận chặn đầu, khoá đuôi, chặn địch đánh vào làng và cơ động. Hoả lực ĐKZ, cối, đại liên do đại đội nắm chi viện chung, bố trí phía sau.
Diễn biến chiến đấu:
07h10: đại đội vừa vào hết trong bản chưa triển khai xong thì có 4 xe tăng địch, mỗi xe chở khoảng 10 tên lính đi cách nhau 50m chạy qua Bản Sẩy về phía Cao Bằng. Địch không phát hiện ta bố trí ở đây mặc dù lúc đó cạnh đường còn 2 xe vận tải của ta chưa giấu kịp.
07h20: đại đội triển khai xong đội hình. Cùng lúc đó có 3 xe tăng (cách tốp đi đầu 500-600m) chở bộ binh tiến vào trận địa. Xe địch đến giữa trận địa, khoảng đầu đội hình trung đội 5, đại đội trưởng ra lệnh nổ súng. B41 của 2 trung đội diệt ngay 3 xe tăng này, bộ binh trên xe bị trung liên, AK tiêu diệt.
Trung đội 4 và 5 lợi dụng mô đất, khóm tre ẩn nấp để địch vượt qua cầu vào sâu trong trận địa (gần hết phạm vi trung đội 4) mới nổ súng diệt tiếp 5 xe tăng này và số bộ binh trên xe. Sau đợt chiến đấu, đại đội trưởng cho củng cố đội hình, giải quyết thương binh tử sĩ, bổ sung đạn, sửa sang công sự.Các xe chạy sau dừng lại bên kia cầu, triển khai quanh trạm xá ở bên tây đường dùng pháo trên xe và hoả lực bộ binh bắn mạnh vào luỹ tre và trong bản, sau đó cho xe vừa chạy vừa bắn định vượt qua Bản Sẩy để tiến vào thị xã.
14h00: 4 xe tăng đi đầu lúc trước quay lại tiến vào trận địa. Đại đội trưởng ra lệnh để xe lọt vào giữa trận địa Trung đội 5 mới được nổ súng.
4 xe tăng địch vừa đi vừa thăm dò thận trọng, đến 14h30 lọt vào trận địa trung đội 5. Phó chính trị viên đại đội ra lệnh nổ súng. B41 bắn cả 4 xe bốc cháy. Số bộ binh trên xe nhảy xuống chống cự sau ít phút thì bị tiêu diệt. Trận đánh nhanh chóng kết thúc.
Kết quả: Chúng ta diệt 150 tên địch, bắn cháy 12 xe tăng, thu 1 đại liên, 3 AK cùng một số đạn, khí tài khác.
Bên phía ta hy sinh 4 đồng chí, bị thương 12. Bộ phận địch bị tiêu diệt trong trận chiến đấu này là Đại đội 6 thuộc Trung đoàn xe tăng của quân đoàn 42, cùng một số bộ binh, công binh hộ tống. Phía TQ cũng đã phải thừa nhận trận phục kích đã gây thiệt hại nặng nề cho họ.
Chiến tranh biên giới 1979: Dù chiến thuật biển người hay biển xe tăng, Trung Quốc đều thảm bại - Ảnh 6.
Chỉ phải đối phó với bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng (lúc đó gọi là công an vũ trang) và dân quân tự vệ nên quân Trung Quốc áp đảo cả về binh lực và hỏa lực. Tận dụng sự hơn hẳn đó, song song với chiến thuật "biển người", Trung Quốc đã áp dụng chiến thuật "biển xe tăng" ở nhiều nơi.
Chiến tranh biên giới 1979: Dù chiến thuật biển người hay biển xe tăng, Trung Quốc đều thảm bại - Ảnh 7.
Trong hầu hết các trận đánh, đầu tiên phía TQ thường sử dụng pháo binh bắn cấp tập vào trận địa phòng ngự của ta. Sau đó dùng xe tăng dẫn dắt, chi viện bộ binh xung phong với số đông tham gia để tràn ngập trận địa.
Do đã có sự chuẩn bị từ trước, các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) đã tận dụng công sự có sẵn, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, linh hoạt... tiêu diệt được nhiều địch- trong đó có nhiều tăng thiết giáp, phá vỡ âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của đối phương.
Trên mặt trận Cao Bằng, ngoài trận phục kích ở Bản Sẩy, quân và dân Cao Bằng đã có nhiều trận đánh cơ giới trên các ngả đường tiến về thị xã, tiêu diệt và phá hủy 134 tăng thiết giáp của Trung Quốc.
Trên mặt trận Lạng Sơn, trong các trận đánh tại Đồng Đăng, Thâm Mô, Pháo Đài, Khánh Khê... các đợt xung phong của TQ đều có sự chi viện, yểm trợ của xe tăng. Tuy nhiên, các chiến sĩ QĐNDVN đã bắn cháy, phá hủy 76 xe tăng địch, giữ vững trận địa đến nhiều ngày sau đó.
Tại mặt trận Hoàng Liên Sơn (Lào Cai) cũng có đến 66 tăng thiết giáp của Trung Quốc bị loại khỏi vòng chiến đấu.
Chiến tranh biên giới 1979: Dù chiến thuật biển người hay biển xe tăng, Trung Quốc đều thảm bại - Ảnh 8.
Tính chung, trong số 550 tăng thiết giáp tham gia xâm lược Việt Nam thì đã có quá nửa - 280 chiếc bị tiêu diệt. Để che giấu thất bại ê chề này, khi rút quân TQ đã cất công kéo hầu hết xác tăng thiết giáp bị cháy ở Việt Nam về bên kia biên giới.
Vậy là "biển người", "biển xe tăng" hay biển gì đi chăng nữa, khi xâm lược Việt Nam cũng sẽ chuốc lấy thất bại thảm hại mà thôi!
Nguồn: http://soha.vn/chien-tranh-bien-gioi-1979-du-chien-thuat-bien-nguoi-hay-bien-xe-tang-trung-quoc-deu-tham-bai-20190213110742656rf20190213153702265.htm





CTBGPB1979- TƯỚNG TRUNG QUỐC BẼ BÀNG VỚI ẢO TƯỞNG CHIẾM HÀ NỘI TRONG 1 TUẦN



Tướng Trung Quốc bẽ bàng vì ảo tưởng ngông cuồng "chiếm Hà Nội trong vòng 1 tuần"
Hai nữ chiến sĩ Việt Nam dẫn giải tù binh Trung Quốc ở Cao Bằng ngày 25/2/1979. Nguồn ảnh: Sovfoto.

Túc Dụ, Thứ trưởng Quốc phòng Trung Quốc từng huênh hoang rằng chỉ cần dùng một phần lực lượng của các quân khu Quảng Châu và Côn Minh là đủ để đánh chiếm Hà Nội trong 1 tuần.

Tướng Trung Quốc bẽ bàng vì ảo tưởng ngông cuồng chiếm Hà Nội trong vòng 1 tuần - Ảnh 1.
Là hai quốc gia láng giềng, "núi liền núi, sông liền sông"- như lời một bài hát, song lịch sử bang giao Việt Nam- Trung Quốc có nhiều khúc quanh co, gập ghềnh.
Từ sau khi Ngô Quyền với chiến thắng Bạch Đằng chấm dứt ngót 1.000 năm "Bắc thuộc", giành lại nền độc lập cho nước nhà thì các triều đại phong kiến Trung Quốc đã nhiều lần cất quân xâm lược Việt Nam. Tuy nhiên, các cuộc chiến tranh xâm lược đó trước sau đều bị quân dân Việt Nam đánh bại.
Những năm 60 của thế kỷ trước, thất bại trong việc lôi kéo Việt Nam chống Liên Xô và hành động theo ý mình trong đánh Mỹ, Trung Quốc đã trở mặt bắt tay với Mỹ chống phá Việt Nam. Khi nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thì sự chống phá của Trung Quốc với Việt Nam càng trở nên rõ ràng. 
Ngoài việc cắt đứt viện trợ, ngăn cản thông thương, tạo ra vụ "nạn kiều" nhằm phá hoại sự ổn định kinh tế - xã hội Việt Nam thì Trung Quốc còn dung dưỡng cho Khmer Đỏ chống phá Việt Nam từ phía Tây Nam, tạo nên một gọng kìm hòng "bóp chết" Việt Nam.
Bất chấp sự chống phá đó, nhân dân Việt Nam vẫn kiên trì con đường độc lập của mình. Không chỉ vậy, bằng đòn phản công vũ bão, chỉ trong vòng 1 tuần lễ, quân đội Việt Nam cùng với lực lượng của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã đánh tan hàng chục sư đoàn chủ lực Khmer Đỏ, giải phóng thủ đô Phnom Pênh, cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng.
Vốn đã sẵn âm mưu tiến công Việt Nam, trong tình thế ấy, để cứu nguy cho Khmer Đỏ, nhà cầm quyền Trung Quốc đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới vào ngày 17/2/1979 với cái cớ hết sức nực cười là "phản công tự vệ".
Để thực hiện mục đích đó, tư tưởng chỉ đạo được nhà cầm quyền Trung Quốc đặt ra cho cuộc chiến tranh là "đánh nhanh, thắng nhanh", "đốt sạch, phá sạch" với sự tham gia của hai Đại quân khu Quảng Tây và Côn Minh quân số tổng cộng lên đến 600.000 người cùng hàng nghìn phương tiện chiến tranh.
Tướng Trung Quốc bẽ bàng vì ảo tưởng ngông cuồng chiếm Hà Nội trong vòng 1 tuần - Ảnh 2.
Binh pháp truyền thống của quân đội Trung Quốc đã được nhấn mạnh đó là việc dùng hai đội quân nhằm "Tập trung biển người để bao vây đối phương từ hai bên sườn nhằm tiêu diệt từng bộ phận đối phương bằng những trận đánh hủy diệt theo phương thức đánh nhanh rút gọn".
Nguyên tắc chủ đạo khi giao chiến là "ngưu đao sát kê" (dùng dao mổ trâu để giết gà) gồm ba điểm: tập trung tấn công vào vị trí quan trọng nhưng không phải điểm mạnh của đối phương; sử dụng lực lượng và hỏa lực áp đảo (tiền pháo hậu xung) để đập tan hàng phòng ngự của đối phương tại những những điểm mấu chốt; các đơn vị xung kích phải hết sức nhanh chóng thọc sâu và tấn công trọng địa của phía bên kia.
Ảo tưởng vào sự áp đảo về binh lực, cuối tháng 12/1978, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Túc Dụ báo cáo tại Kì họp thứ ba của Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng chỉ cần dùng một phần lực lượng của các quân khu Quảng Châu và Côn Minh là đủ để đánh chiếm Hà Nội trong vòng 1 tuần.
Quả thật, nếu so sánh về tương quan lực lượng hai bên vào thời điểm Trung Quốc phát động chiến tranh- ngày 17/2/1979, nhiều người Trung Quốc cũng đã ảo tưởng như thế.
Trung Quốc đã huy động 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn), 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không. Lực lượng được huy động khoảng trên 60 vạn binh sĩ, 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối và dàn hỏa tiễn, chưa kể hơn 200 tàu chiến của hạm đội Nam Hải và 948 máy bay sẵn sàng phía sau. 
Tướng Trung Quốc bẽ bàng vì ảo tưởng ngông cuồng chiếm Hà Nội trong vòng 1 tuần - Ảnh 3.
Ngoài lực lượng quân chính quy, Trung Quốc còn huy động hàng chục vạn dân công và lực lượng dân binh ở các tỉnh biên giới để tải đồ tiếp tế, phục vụ, tải thương, hỗ trợ quân chính quy phục vụ cho chiến dịch. Chỉ riêng tại Quảng Tây đã có đến 215.000 dân công được huy động.
Còn về phía Việt Nam, do phần lớn các quân đoàn chính quy đang chiến đấu ở Campuchia nên phòng thủ ở biên giới với Trung Quốc chỉ có một số sư đoàn chủ lực của Quân khu I và II cùng các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, huyện, công an vũ trang (biên phòng) và dân quân tự vệ.
Lực lượng tinh nhuệ nhất của phía Việt Nam đóng ở biên giới Việt-Trung là Sư đoàn 3 (đóng tại Lạng Sơn) và sư đoàn 316A (đóng tại Sa Pa). Ngoài ra còn có các sư đoàn 346 ở Cao Bằng, 325B ở Quảng Ninh, 345 ở Lào Cai, 326 ở Phong Thổ, Lai Châu và các trung đoàn độc lập 141, 147, 148, 197, trung đoàn pháo binh 68, các trung đoàn quân địa phương 95, 121, 192, 254 và 741.
Toàn bộ lực lượng phía Việt Nam tham gia phòng thủ biên giới lúc đó có khoảng 70.000 quân, sau được hai sư đoàn (327 và 337) từ tuyến sau lên Lạng Sơn tiếp viện. Riêng Quân đoàn 1 vẫn đóng quanh Hà Nội đề phòng Trung Quốc tiến sâu vào trung tâm. 
Tướng Trung Quốc bẽ bàng vì ảo tưởng ngông cuồng chiếm Hà Nội trong vòng 1 tuần - Ảnh 4.
5 giờ sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, sau một trận pháo kích dữ dội vào trận địa phòng ngự của phía Việt Nam, hơn  120.000 quân lính và xe tăng, thiết giáp Trung Quốc bắt đầu tiến vào lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến biên giới.
Cánh phía đông có sở chỉ huy tiền phương đặt tại Nam Ninh với mục tiêu chính là Lạng Sơn. Có hai hướng tiến song song, hướng thứ nhất do quân đoàn 42A dẫn đầu từ Long Châu đánh vào Đồng Đăng nhằm làm bàn đạp đánh Lạng Sơn; hướng thứ hai do quân đoàn 41A dẫn đầu từ Tĩnh Tây và Long Châu tiến vào Cao Bằng và Đông Khê. Ngoài ra còn có quân đoàn 55A tiến từ Phòng Thành vào Móng Cái.
Cánh phía tây có sở chỉ huy tiền phương đặt tại Mông Tự, có 3 hướng tiến công chính. Hướng thứ nhất do các quân đoàn 13A và 11A dẫn đầu đánh vào thị xã Lào Cai. Hướng thứ hai từ Văn Sơn đánh vào Hà Giang. Hướng thứ 3 do sư đoàn 42D của quân đoàn 14A dẫn đầu đánh từ Kim Bình vào Lai Châu.
Tổng cộng quân Trung Quốc xâm nhập Việt Nam trên 26 điểm trải dài trên toàn tuyến biên giới.
Trong ngày đầu của cuộc chiến, với sự áp đảo về binh lực, chiến thuật biển lửa và biển người của Trung Quốc tỏ ra có kết quả. Quân Trung Quốc tiến được vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam trên dưới 10 km và chiếm được một số thị trấn. Chiến sự ác liệt nhất diễn ra tại các vùng Bát Xát, Mường Khương ở tây bắc và Đồng Đăng, cửa khẩu Hữu Nghị, Thông Nông ở đông bắc.
Tuy nhiên, trước sự kháng cự ngoan cường và sự mưu trí sáng tạo của các lực lượng phòng ngự phía Việt Nam, đà tiến công của quân Trung Quốc nhanh chóng bị khựng lại. Quân Trung Quốc hầu như không thể sử dụng lực lượng ở mức sư đoàn mà phải dùng đội hình nhỏ và thay đổi chiến thuật. 
Tướng Trung Quốc bẽ bàng vì ảo tưởng ngông cuồng chiếm Hà Nội trong vòng 1 tuần - Ảnh 5.
Ảnh: Sputnik
Trên toàn mặt trận, chiến sự diễn ra ngày càng khốc liệt, trong đó ác liệt nhất phải kể đến là trận chiến tại Đồng Đăng- thị trấn nằm sát biên giới Việt- Trung trên hướng Lạng Sơn. Đây là trận địa phòng thủ của Trung đoàn 12 Tây Sơn, Sư đoàn 3 Sao Vàng. Lực lượng Trung Quốc tiến công vào Đồng Đăng là 2 sư đoàn bộ binh, 1 trung đoàn xe tăng, và chi viện của 6 trung đoàn pháo binh Trung Quốc.
Mặc dù bị cô lập, không được chi viện nhưng lực lượng phòng thủ tại đây đã kiên cường chiến đấu đến những người cuối cùng, trụ được cho đến ngày 23.2. Ngày cuối cùng tại Pháo đài Đồng Đăng, nơi có hệ thống phòng thủ kiên cố nhất, quân Trung Quốc đã dùng bộc phá đánh sập cửa chính, dùng súng phun lửa, thả lựu đạn, bắn đạn hóa học vào các lỗ thông hơi làm thiệt mạng hầu hết thương binh cũng như dân quanh vùng đến đây lánh nạn.
Đổi lại, trong trận Đồng Đăng, phía Trung Quốc đã thương vong hơn 2.000 binh lính (trong đó 531 chết). Chiếm được Đồng Đăng, quân Trung Quốc tập trung lực lượng chuẩn bị tiến công Lạng Sơn, một trong những mục tiêu chủ yếu của cuộc chiến mà nếu chiếm được thì bọn chúng sẽ rộng đường tiến về Hà Nội với khoảng cách chỉ 135 km.
Để tăng cường khả năng chiến đấu phòng thủ và chuẩn bị phản công, ngày 25 tháng 2, Bộ chỉ huy tối cao phía Việt Nam quyết định thành lập Quân đoàn 14 thuộc Quân khu 1 và Bộ chỉ huy thống nhất Lạng Sơn do Thiếu tướng Hoàng Đan làm tư lệnh với lực lượng bao gồm các Sư đoàn 3, 327, 338, 337 (đang từ Quân khu 4 ra) cùng các đơn vị trực thuộc khác.
Những ngày tiếp theo, chiến sự vẫn tiếp diễn khốc liệt trên toàn tuyến biên giới nhưng tập trung là ở hướng Lạng Sơn. Trung Quốc đã điều tới đây thêm 2 sư đoàn từ Đồng Đăng và Lộc Bình (phía đông nam Lạng Sơn) đồng thời tiếp tục đưa thêm quân mới từ hậu phương thâm nhập Việt Nam để tăng viện
Trận đánh chiếm thị xã Lạng Sơn bắt đầu lúc 6 giờ sáng ngày 27.2. Các Sư đoàn 3, 337, của Việt Nam đã tổ chức phòng thủ chặt chẽ và phản ứng mãnh liệt trước các đợt tấn công lớn của quân Trung Quốc. Các trận đánh đẫm máu xảy ra tại khu vực cầu Khánh Khê, Cốc Chủ, Quán Hồ, các điểm cao 800, 477, 417...
Sau gần 1 tuần giành giật các điểm cao quanh Lạng Sơn, ngày 2/3 quân Trung Quốc bắt đầu bao vây thị xã Lạng Sơn và sử dụng 6 sư đoàn tấn công đồng loạt trên nhiều hướng. Chiều ngày 4/3, một cánh quân Trung Quốc đã vượt sông Kỳ Cùng, chiếm điểm cao 340 và vào tới thị xã Lạng Sơn, một cánh quân khác của sư đoàn 128 Trung Quốc cũng chiếm sân bay Mai Pha, điểm cao 391 ở phía tây nam thị xã.
Phía Việt Nam đã điều động các sư đoàn chủ lực có xe tăng, pháo binh, không quân hỗ trợ áp sát mặt trận, chuẩn bị phản công giải phóng các khu vực bị chiếm đóng. Quân đoàn 14 với các sư đoàn 337, 327, 338 hầu như còn nguyên vẹn đang bố trí quanh thị xã Lạng Sơn. Quân đoàn 2 đang làm nhiệm vụ tại Campuchia cũng được lệnh cơ động gấp toàn bộ lực lượng về nước, tập kết phía sau Quân đoàn 14.
Ngày 5/3/1979, Nhà nước Việt Nam ra lệnh tổng động viên toàn quốc chống xâm lược. Lo ngại trước sức phản công mãnh liệt của Việt Nam, trưa cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố bắt đầu rút quân. 
Tướng Trung Quốc bẽ bàng vì ảo tưởng ngông cuồng chiếm Hà Nội trong vòng 1 tuần - Ảnh 6.
Như vậy là, quân Trung Quốc đã bị cầm chân suốt 16 ngày ở thị xã Lạng Sơn, một thị xã chỉ cách biên giới 15 km và còn cách xa Hà Nội tới 135 km. Trung bình mỗi ngày quân Trung Quốc chỉ tiến được 0,9 km và chúng đã mất 16 ngày chỉ để tiến được 1/10 quãng đường tới Hà Nội.
Và chuyện ảo tưởng "chiếm Hà Nội trong 1 tuần" chỉ là giấc mơ ngông cuồng của những kẻ xâm lược.
Nguồn: http://soha.vn/tuong-trung-quoc-be-bang-vi-ao-tuong-ngong-cuong-chiem-ha-noi-trong-vong-1-tuan-20190211085324687rf20190213153702265.htm

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2019

NGẪM Ở ĐỀN TA PRHOM

Người muốn lưu danh sử sách
Nên mới mượn đá xây đền
Đá cứ tưởng mình vĩnh cửu
Ngạo nghễ cười với thời gian

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười, bầu trời, cây, thực vật, ngoài trời và thiên nhiên

Rồi một hạt cây rơi xuống
Nảy mầm, trổ rễ, xanh tươi
Chẳng mấy rễ cây trùm đá
Cây vươn thẳng mãi lên trời

Trong hình ảnh có thể có: mọi người đang đứng, cây, bầu trời và ngoài trời

Cây lại tưởng mình sống mãi
Ngờ đâu rụng lá, khô cành...
Hóa ra chẳng gì vĩnh cửu

Tất cả- quỳ trước THỜI GIAN!

Trong hình ảnh có thể có: cây, ngoài trời và thiên nhiên

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2019

TIẾN CÔNG TRONG HÀNH TIẾN- THẦN TỐC GIẢI PHÓNG PHNOM PÊNH KHIẾN KHMER ĐỎ KHÔNG KỊP TRỞ TAY

Tiến công trong hành tiến - Thần tốc giải phóng Phnom Pênh: Khmer Đỏ không kịp trở tay
Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia. Ảnh tư liệu.

Mờ sáng ngày 07.01.1979, một phần lực lượng của Sư đoàn bộ binh (BB) 7 và Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Tăng Thiết giáp (TTG) 22 của Quân đoàn 4 đã vượt được sông Mekong tại phà Neak Lương.

Phía trước họ 60 km là Phnom Pênh 
Mặc dù đã bị đánh cho tan tác song lực lượng phòng thủ Phnom Pênh vẫn còn khá mạnh: Sư đoàn 260 hiện bố trí phòng thủ cầu Mô-ni-vông và phía Nam dọc theo đường 1 khoảng 20km. Trung đoàn 180 bảo vệ Bộ Tổng tham mưu. Trung đoàn 331 của Sư đoàn 502 Không quân bảo vệ sân bay Pô-chen-tông.
Ngoài ra, Sư đoàn 152 Thuỷ quân Lục chiến có một trung đoàn bảo vệ trên sông và căn cứ hải quân Chrui-chang-var cộng với lực lượng giữ nhà của Sư đoàn TTG 377, Sư đoàn Pháo binh 188 và một bộ phận công binh bố trí chiến đấu bảo vệ khu vực hậu cứ từ ga xe lửa ra đến sân bay Pô-chen-tông.
Tin tức tình báo cho biết, ngày 5.01 Khmer Đỏ đã gom cố vấn Trung Quốc về Phnom-Pênh. Ngày 6.01 chúng ra lệnh đốt tài liệu và có nhiều máy bay đi lại giữa Pô-chen-tông và Băng-kok. Chúng cũng ra lệnh phá cầu trên các đường dẫn vào Phnom Pênh và tích cực đánh ngăn chặn, đánh du kích phía sau.
Tiến công trong hành tiến - Thần tốc giải phóng Phnom Pênh: Khmer Đỏ không kịp trở tay - Ảnh 1.
Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) nhận lẵng hoa của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng trước khi lên đường làm nhiệm vụ giúp nước bạn Campuchia.
Đội hình tiến công đã triển khai thành hàng dọc trên đường số 1 từ bến phà lên khoảng 5 km. Dẫn đầu đội hình là Tiểu đoàn TTG 2 gồm 4 xe tăng T-54, 1 K63-85 và 11 xe M113. Bên cạnh đội hình Tiểu đoàn TTG 2 có 1 đại đội hỗn hợp trinh sát công binh và Tiểu đoàn 3 của Xáttha (Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia).
Khmer Đỏ không kịp trở tay
Sau nửa tháng chiến đấu liên tục, tình trạng kỹ thuật xe tăng rất tã, chưa được một ngày bảo dưỡng, mỗi xe M113 chỉ còn 150 lít xăng; xe tăng T-54 thì khá hơn, đạn pháo xe tăng chưa đến 12 quả cho mỗi nòng pháo mà xe hậu cần thì chưa lên kịp song quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ xe tăng rất cao, ai cũng háo hức đánh giặc lập công.
Đúng 7 giờ 15 phút, Phó Tư lệnh Bùi Cát Vũ phát lệnh hành tiến tiến công vào Phnom Pênh. Trước đó ít phút ông đã lệnh cho Trung đoàn Hải quân 962 và Trung đoàn Đặc công 113 rời bến để bảo vệ mặt Nam cho đội hình.Tuy nhiên, đã gần 7 giờ mà Trung đoàn 209 - đơn vị chủ công tiến vào Phnom Pênh vẫn chưa sang được sông. Phó Tư lệnh quân đoàn Bùi Cát Vũ quyết định đưa Trung đoàn 14 lên thay thế. Còn Trung đoàn 209, Trung đoàn 12 thì đón nhận các xe lên sau.
Để tiện chỉ huy tác chiến, Phó Tư lệnh Bùi Cát Vũ chuyển sang xe thiết giáp V100 cùng với Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn TTG 22 Tạ Văn Thắng. Các sĩ quan cơ quan tham mưu quân đoàn đi trên xe V100 thứ hai do trung úy Đồng Phạm Thắng chỉ huy.
Chỉ huy Tiểu đoàn TTG 2 là tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Thành (sau này là Trung tướng Phó Tổng tham mưu trưởng). Đơn vị đi đầu đội hình là Đại đội XT 10 gồm 4 chiếc T54. Ngay sau khi có lệnh, xe tăng đã ngay lập tức tăng tốc độ. Các xe thiết giáp và ô tô chở bộ binh bám sát phía sau.
Tiến công trong hành tiến - Thần tốc giải phóng Phnom Pênh: Khmer Đỏ không kịp trở tay - Ảnh 3.
Pháo binh ta nhả đạn đánh quân Pôn-pốt năm 1979.
Hành tiến được 5 km, đội hình tiến công gặp trận địa phòng ngự đầu tiên của Khmer Đỏ. Quân địch sử dụng pháo 130mm và 85 mm hạ nòng bắn thẳng đồng thời lợi dụng công sự chiến đấu ngăn chặn quyết liệt. Các xe TTG dàn đội hình đánh địch. Sau chừng 5 phút chiến đấu, một số xe kéo pháo bỏ chạy.
Từ sở chỉ huy, Phó Tư lệnh Bùi Cát Vũ điện cho Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Thành: "Nó kéo pháo chạy có nghĩa là đường không có mìn. Thời cơ rất tốt, bắn đè đầu nó xuống, thúc xe tăng vượt qua nhanh, đuổi theo!".
Trong lúc đó 8 chiếc xe tải Khmer Đỏ đổ quân trên đường Ba Nam sát bờ sông, dùng DKZ và 12,8 mm bắn vào đoàn tàu của trung đoàn 962. Còn ở mũi Cù lao có hai tàu Khmer Đỏ vừa bắn vừa chạy ngược trở lên. Các tàu của Trung đoàn 962 nhanh chóng nổ súng, buộc quân địch bỏ chạy.
Trên đầu đội hình hành tiến, Chuẩn úy trung đội trưởng Trần Ngọc Giao (sau này được tuyên dương Anh hùng LLVTND) chỉ huy xe tăng T-54 số 975 vừa dùng hỏa lực, vừa dùng xung lực đâm húc hất xe pháo địch xuống vệ đường.
Khi đến đầu phum Prek Pol, một lần nữa đội hình tiến công phải dừng lại khi gặp trận địa phòng ngự của quân Khmer Đỏ. Sau ít phút nổ súng, quân địch bỏ chạy. Đội hình tiến công tiếp tục tiến nhưng phải đi theo đường tránh vì cầu bị phá.
Đến phum Kông-Lêng, quân Khmer Đỏ đem 2 xe tải ra chắn đường, hỏa lực chống tăng các loại bắn ra khá mạnh, có 2 chiếc xe tăng K63-85 và một số khẩu pháo 85 mm, xe thiết giáp M113 số 271 của Đại đội 5 bị trúng đạn bốc cháy. Đội hình tạm dừng.
Bộ Tư lệnh quân đoàn quyết định cho Tiểu đoàn 3 bạn và Trung đoàn 14 vòng đánh địch để bảo vệ cho xe tăng đột phá.
Sau 20 phút chiến đấu, quân Khmer Đỏ vỡ trận, bỏ chạy. Được các xe sau yểm hộ, xe 975 của Trần Ngọc Giao lao lên với tốc độ cao nhất chen vào giữa đội hình xe địch. Khi xe 975 bắn hạ được hai chiếc phía trước trong cự ly quá gần, khói bụi che lấp tốc độ nhanh không lấy được tim đường nên xe bị dệ xuống mương.
Tiến công trong hành tiến - Thần tốc giải phóng Phnom Pênh: Khmer Đỏ không kịp trở tay - Ảnh 4.
Quân Khmer Đỏ bị bắt.
Ngay lập tức, các chiến sĩ trong xe nhảy xuống chiến đấu bằng súng bộ binh, diệt thêm hai xe chạy sau và một số bộ binh địch. Khi Đại đội XT 10 đến, Trần Ngọc Giao lên thay Đại đội trưởng trên chiếc xe tăng T-54 số 973, dẫn đầu đội hình chọc thẳng vào thành phố.
Đại đội XT10 do Trần Ngọc Giao chỉ huy lao thẳng vào Bộ Tổng Tham mưu - cơ quan đầu não chỉ đạo chiến tranh của Khmer Đỏ.Hơn 10 giờ, đội hình tiến công đã đến cầu Monivong. Quân Khmer Đỏ vẫn tiếp tục kháng cự, bắn cháy 1 xe M113 nhưng rồi nhanh chóng tan rã. Theo kế hoạch, các đơn vị tỏa ra các mục tiêu trong thành phố.
Đúng 10.30 ngày 07.01.1979, lá cờ chiến thắng đã được Trần Ngọc Giao kéo lên tại Bộ Tổng Tham mưu. Đến 12 giờ, hầu hết các mục tiêu chủ yếu trong thành phố Phnom Pênh đã được giải phóng.
Trận tiến công trong hành tiến diễn ra quá nhanh, quá thần tốc khiến cho quân Khmer Đỏ không kịp trở tay. Chúng phải bỏ lại hàng trăm xe tăng thiết giáp và pháo lớn cùng nhiều trang bị vũ khí khác. Rất nhiều đồ quý hiếm trong Hoàng cung, trong các công sở cũng không kịp mang đi.