Thứ Tư, 15 tháng 2, 2017

BÃO THÉP 2- ÁP THẤP ĐƯỜNG SỐ CHÍN- Kỳ 8


          Trên đường từ mặt trận ra Bắc chính ủy Ngọc và tham mưu trưởng Dương đã bàn nhau về chương trình công tác sắp tới. Họ nhất trí với nhau: trước mắt sẽ phát động một phong trào thi đua học tập gương chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ đoàn 198 đã ra quân đánh thắng trận đầu. Phía ông Dương sẽ khẩn trương hoàn chỉnh tài liệu những bài học kinh nghiệm của trận đánh Tà Mây- Làng Vây để đưa vào huấn luyện. Về lâu dài sẽ xây dựng kế hoạch phát triển lực lượng, đồng thời chuẩn bị cho Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng binh chủng vào năm tới. Hai ông được phép ghé qua nhà một đêm, ngày mai xe của binh chủng sẽ lên đón họ về cơ quan.
          Chiếc xe con đón họ từ Hà Nội về đã rẽ vào đường 2B. Đây là con đường dẫn lên khu nghỉ mát Tam Đảo. Chính ủy Ngọc và tham mưu trưởng Dương bồi hồi nhìn khung cảnh xung quanh. Mới đi xa có mấy tháng mà trông cảnh vật đã thay đổi quá nhiều, hay là do mấy tháng ở rừng nên bây giờ trông những ngọn đồi đất đỏ trơ trụi họ thấy lạ mắt không biết. Chẳng mấy chốc xe đã qua doanh trại 92. Nhìn khu doanh trại bề thế với những ngôi nhà to đẹp, khang trang giờ đang nằm im lìm hoang phế vì chiến tranh phá hoại chính ủy Ngọc chép miệng:
          - Nếu không có bọn đế quốc Mỹ này thì dân ta sẽ sung sướng biết bao.
          Tham mưu trưởng Dương cũng cảm thán:
          - Chúng tàn bạo quá, sức mạnh hủy diệt của chúng cũng thật khủng khiếp. Nhưng tôi tin rằng trước sau chúng sẽ phải cúi đầu trước dân mình mà thôi.
          Khu vực sơ tán của cơ quan đã hiện ra trước mặt. Thấy chiếc xe con dừng trước nhà công vụ Lưu đã chạy vội ra, cậu ta xuýt xoa:
          - Chào các thủ trưởng! Thủ trưởng gày thế, cả thủ trưởng Dương nữa, gày mà đen đi nhiều.
          Chính ủy Ngọc cười:
          - Đây không gọi là gày và đen mà phải gọi là nhuốm “khói bụi chiến trường”.
          Lưu thật thà:
          - Hôm nay các thủ trưởng thích ăn gì để em nấu.
          Tham mưu trưởng Dương hóm hỉnh:
          - Vào trong ấy thấy chả thèm cài gì cả, chỉ thèm mỗi món nước chè xanh của cậu thôi.
          Cậu ta xăng xái xách ba lô cho chính ủy Ngọc. Hai ông bắt tay nhau rồi ai về nhà nấy.
          Ngay sau đó chính ủy Ngọc đã triệu tập chủ nhiệm chính trị Thu đến gặp. Vừa vào đến cửa chủ nhiệm chính trị Thu đã trầm trồ:
          - Chào chính ủy! Trông chính ủy phong trần quá. Chắc anh phải sút đến mấy cân đấy nhỉ?
          Chính ủy Ngọc đứng dạy đưa tay ra vồn vã:
          - Nào! Ngồi xuống đây đã. Đi qua nông trường Tây Hiếu các o công nhân cho nhiều cam quá, ông dùng đi.
          Chuyện vãn một hồi chính ủy Ngọc mới vào vấn đề chính:
          - Bây giờ anh báo cáo thật tóm tắt tình hình ở nhà máy tháng qua cho tôi biết, có vấn đề gì đặc biệt không?
          Chủ nhiệm chính trị Thu cười thật tươi:
          - Báo cáo anh! Từ ngày anh đi chiến trường mọi việc ở nhà vẫn bình thường. Còn nếu nói về vấn đề đặc biệt thì chỉ có một sự kiện hết sức đặc biệt: đó là không khí phấn khởi trong toàn binh chủng trước chiến thắng trận đầu của ta tại Tà Mây, Làng Vây.
          Chính ủy Ngọc gật đầu:
          - Tôi công nhận đó là một sự kiện đặc biệt đối với toàn binh chủng chúng ta. Thế ở nhà các anh đã làm những gì rồi?
          Chủ nhiệm chính trị Thu sôi nổi:
          - Dạ! Chúng tôi đã cho anh em chuẩn bị một bản đề cương tuyên truyền về chiến thắng Tà Mây- Làng Vây. Qua việc học tập về điện khen của Bộ Tổng tư lệnh và bài báo đăng trên báo Nhân Dân để bộ đội thấy rõ ý nghĩa của chiến thắng này. Hiện nay khí thế các đơn vị đang lên hừng hực, hàng trăm bản quyết tâm thư xin đi chiến đấu đã được gửi về đây.
          Chính ủy Ngọc tỏ vẻ hài lòng, ông chậm rãi:
          - Như vậy là các anh đã rất nhậy bén theo kịp tình hình. Tôi dự định tới đây sẽ phát động một đợt thi đua “học tập gương chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ đoàn 198, huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao” rộng khắp trong toàn binh chủng. Qua đó giáo dục cho anh em thấy hết những khó khăn, gian khổ, ác liệt hy sinh mà bộ đội ta đang phải chịu đựng trên các chiến trường để bộ đội xác định tư tưởng, chuẩn bị thật tốt cho ngày đi chiến đấu. Tôi tin rằng sắp tới sẽ có nhiều đơn vị của ta được đưa vào chiến trường đấy.
          Chủ nhiệm chính trị Thu gật đầu:
          - Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của anh. Chúng tôi sẽ chuẩn bị ngay.
          Trái với cái vẻ trầm lặng trong căn nhà của chính ủy, không khí ở phòng tham mưu thật sôi nổi. Túi cam Tây Hiếu chỉ một loáng đã được các sĩ quan phòng tham mưu đánh sạch, còn giờ họ đang cười nghiêng ngả trước những câu chuyện tiếu lâm chiến trường của tham mưu trưởng Dương. Trợ lý tác huấn Phùng cố nén cơn cười lập bập:
          - Đi chiến trường lần này kho chuyện tiếu lâm của tham mưu trưởng có vẻ được bổ sung khá nhiều.
          Tham mưu trưởng Dương cười mỉm:
          - Tiếu lâm đâu mà tiếu lâm! Toàn chuyện thật cả đấy.
          Tham mưu phó Ba góp chuyện:
          - Có mà thủ trưởng bịa như thật ấy!
          Căn phòng rộng lại òa lên những tiếng cười.
          Đợi cho mọi người cười thoải mái tham mưu trưởng Dương mới từ tốn:
          - Báo cáo các đồng chí! Do anh Đào đã vào chiến trường nên tôi và anh Ngọc phải ra để lo việc ngoài này. Một phần nữa là do sức khỏe tôi hơi kém, cứ bị đau bụng luôn nên anh Đào bắt tôi phải ra điều trị. Tuy nhiên cũng có một số công việc phải làm ngay. Trước hết chúng ta phải tổng hợp diễn biến hai trận đánh Tà Mây và Làng Vây, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm để làm chiến lệ cho anh em liên hệ và vận dụng vào quá trình huấn luyện. Thứ hai là ta sẽ phải căn cứ vào những bài học kinh nghiệm này để chỉnh sửa lại những nội dung chưa thật phù hợp của các tài liệu chiến thuật. Thứ ba là chúng ta phải lập kế hoạch đưa xe tăng đi B, tôi tin rằng trong vòng một vài năm nữa yêu cầu của chiến trường sẽ rất lớn. Ở chỗ này ta phải căn cứ vào điều kiện từng chiến trường để xác định quy mô, tổ chức đi như thế nào cho tối ưu. Còn một nhiệm vụ nữa là chúng ta phải nghiên cứu thêm về tổ chức biên chế của các trung đoàn xe tăng sao cho phù hợp với điều kiện tác chiến ở chiến trường miền Nam. Thực tế vừa qua cho thấy công tác bảo đảm mà hoàn toàn trông chờ vào cấp trên hoặc đơn vị bạn thì sẽ rất bất lợi. Sau đây các đồng chí tiếp tục công việc của mình, xin mời anh Ba, anh Phùng và ban quân lực ở lại làm việc với tôi.
          Mọi người tản ra về phòng làm việc, còn bốn thày trò họ chụm đầu lại bên cái bàn lớn, lúc thì thủ thỉ như tâm sự, lúc lại tranh luận ầm ĩ cho đến tận khi kẻng báo hết giờ vang lên.

           ***

          Trưa nay Hiền nhận được lá thứ thứ tư của Nhã lúc đang lúi húi nấu cơm. Nhìn cái phong bì còn mới và dấu bưu điện Hà Nội Hiền đoán chắc có ai từ trong đó ra và Nhã đã nhờ cầm hộ thư. Như vậy là họ đã xa nhau hơn sáu tháng. Lá thư đầu tiên Nhã viết cho cô lúc anh dừng chân ở Tây Quảng Bình chuẩn bị vượt Trường Sơn sang Lào, anh bảo chưa có hòm thư nên cô đừng nóng ruột. Hai lá tiếp theo đều viết từ đường Chín nhưng cũng mất hơn một tháng mới đến tay cô, lá nào lá ấy nhàu nhĩ, nát bươm như đã phải trải qua một đoạn đường đầy gian khổ. Cầm lá thư cô chạy vội lên nhà trên định khoe với mẹ chồng nhưng mẹ Nhã đã đi đâu không biết, chắc là lại chạy quanh mấy nhà hàng xóm. Không thể đợi được mẹ chồng về chung vui cô xé vội mép phong bì rồi lôi bức thư ra ngấu nghiến đọc. Thì ra các anh ấy đã tham gia chiến đấu trận đầu tiên và đã chiến thắng oanh liệt. Càng đọc Hiền càng buồn cười: “thư viết cho vợ mà toàn kể chuyện đánh nhau, toàn thấy pháo nổ, đạn bay rồi xung phong, thọc sâu”. Nhưng rồi cô chau mày lại, hai mắt rơm rớm nước: “thế là anh Tú chính trị viên, người thay mặt đơn vị về dự đám cưới cô đã không còn nữa”. Hiền buông lá thư xuống giường, nước mắt lã chã rơi. Cô còn nhớ như in gương mặt hiền lành mà rắn rỏi của anh khi anh đứng lên thay mặt đơn vị chúc đôi tân hôn “vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Trong bữa liên hoan anh còn nâng chén rượu :”chúc vợ chồng cô sớm cho bà có cháu bế, ngày đó anh sẽ về thăm và sẽ có quà đặc biệt cho mẹ con cô”. Thế là cả lời chúc và lời hứa của anh đến nay đều không thành hiện thực.
          Ngày đó biết mẹ chồng đã mong mỏi từ lâu nên có gần một tuần bên nhau cô đã vượt qua mọi khuôn phép của một cô gái nhà lành để yêu chiều chồng hết mực. Nhưng rồi đến kỳ lại thấy “ươn mình” cô buồn lắm. Cô không buồn cho mình mà chỉ thương mẹ chồng khi nhìn thấy vẻ thất vọng không giấu được trên gương mặt cụ.
          Đúng lúc ấy thì mẹ Nhã về. nhìn khuôn mặt đẫm nước mắt của con dâu, lại thấy lá thư vứt chỏng chơ trên giường bà hốt hoảng:
          - Có chuyện gì thế con?
          Hiền vội vàng đưa tay lau nước mắt rồi vuốt lại mái tóc, cô nhẹ nhàng:
          - Dạ! Không có chuyện gì đâu ạ! Nhận được thư nhà con con mừng quá đấy mà.
          Mẹ Nhã hồ hởi:
          - Thế mà mày làm mẹ hết cả hồn! Thế thư nó viết những gì?
          Hiền đã lấy lại được bình tĩnh, cô cười mủm mỉm:
          - Buồn cười lắm mẹ ạ! Chắc anh ấy phấn khởi vì đã tham gia chiến đấu và chiến thắng oanh liệt nên viết thư về nhà mà toàn kể chuyện đánh nhau. Để con đọc mẹ nghe nhé!
          Hiền cầm lá thư lên dõng dạc đọc, mẹ Nhã ngồi nghe cũng bật cười:
          - Cái thằng! Ngốc vẫn hoàn ngốc.
          Nhưng rồi Hiền giấu biệt đoạn nói về anh Tú hy sinh, cô gập lá thư vào rồi lấp liếm:
          - Còn chỗ này anh ấy viết riêng cho con, đọc xấu hổ lắm.
          Bà cụ dễ dãi:
          - Thôi được rồi! Biết nó vẫn khỏe lại phấn khởi thế là mẹ mừng rồi- Bà đứng dạy te tái- Để mẹ xuống nấu cơm cho, cứ ngồi đấy mà đọc thư đi.
           Hiền mở bức thư ra đọc tiếp. Đến lúc này cô mới biết Nhã lại tiếp tục đi sâu vào phía nam, hòm thư sẽ thay đổi nhưng bây giờ chưa có. Thế là mấy bức thư cô viết cho anh sẽ lại lang thang trên những nẻo đường và không biết có đến tay anh được hay không. Cô ngồi thần ra, hai hàng nước mắt lại rơi lã chã.

           ***

          Cứ tưởng bọn Mỹ chỉ đổ quân xuống tập kích các đơn vị của ta đang đứng chân ở A Lưới- A Sầu rồi một hai ngày sau sẽ rút, không ngờ chúng lại nằm lỳ ở đó. Vì vậy không khí ở đại đội 9 lúc nào cũng căng như dây đàn. Tất cả mọi hoạt động nấu ăn, cải thiện được giao cho tiểu đội công binh và thợ thực hiện, còn toàn bộ thành viên kíp xe phải thường xuyên có mặt tại xe để đảm bảo sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất. Một vài loạt B52 cũng đã rơi sát sạt chỗ đơn vị trú quân nhưng không gây thiệt hại gì đáng kể. Bọn trực thăng vũ trang cũng đã mấy lần quần lượn trên đầu nhưng nhờ những tán cây dày đặc ven suối nên chúng cũng không phát hiện được các anh.
          Sau hôm chuyển vào đây được một tuần đồng chí tham mưu phó mặt trận B4 đã xuống kiểm tra nắm tình hình đơn vị, ông biểu dương Tân và các đồng đội đã quyết định chính xác khi bí mật di chuyển vào đây và thực hiện án binh bất động. Ông cho biết đợt này quân Mỹ đã dồn vào đây một lực lượng khá lớn, chúng đã đổ quân xuống hơn chục điểm trên toàn bộ thung lũng và đã thiết lập hệ thống công sự, vật cản tương đối vững chắc, có khả năng chúng đang tìm cách chiếm lại toàn bộ thung lũng. Hàng ngày chúng tung quân ra thám sát xung quanh tới hai, ba ki- lô- mét. Khi phát hiện dấu hiệu quân ta thì gọi không quân, pháo binh tập kích bằng hỏa lực cho “nát nhừ” rồi mới xông vào. Tân nghĩ bụng: “thật may là các anh đã chuyển quân kịp thời, ngày hôm sau lại cho công binh ra xóa dấu vết chứ không thì gay go to”.  
          Tham mưu phó mặt trận còn cho biết về phía ta lúc đầu có hơi bị động nên phải dạt vào các dãy núi cao nhưng quyết tâm của mặt trận sẽ không để bọn địch thực hiện ý định của chúng. Hiện nay các đơn vị của ta đang triển khai thế trận bao vây quân địch, thực hiện các đòn tập kích liên tục để tiêu hao từng bộ phận tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch hoặc buộc chúng phải rút quân. Tuy nhiên trước mắt sẽ không sử dụng đến xe tăng, nhiệm vụ của các anh vẫn là giữ bí mật bảo toàn lực lượng để dùng vào những việc lớn sau này. Khi Tân xin ý kiến ông về việc tìm một chỗ trú quân ổn định, lâu dài ông hoàn toàn nhất trí và gợi ý cho anh nên đi sâu vào phía nam sân bay A Sầu.
            Nhưng việc lo lắng là của cán bộ chứ đối với cánh lính trẻ thì không phải luồn rừng cải thiện, không phải làm kỹ thuật cũng như trăm thứ việc không tên ở chiến trường là khoái rồi. Tuy có bó buộc một tý nhưng còn sướng chán, cứ nằm đấy tán gẫu rồi đến bữa thì ăn. Có vẻ khoái nhất là Hòa và Thắng, hai cậu nằm dài trong buồng chiến đấu kể cho nhau nghe những “chiến tích” thuở học trò. Cân thì vẫn không rời mấy cuốn sổ, cậu cắm cúi ghi chép, gạch xóa, thỉnh thoảng cũng đá đưa vài câu với hai anh bạn cùng xe.
          Nhã không tham gia vào câu chuyện của mấy chàng trai trẻ, anh ngồi dựa lưng vào tháp pháo ngắm trời ngắm đất và mơ màng về cái làng nhỏ thân thương nơi có mẹ già và Hiền đang khắc khoải chờ anh ở đó. Từ hôm xuất phát đi chiến trường đến nay đã tròn sáu tháng, anh đã viết về nhà bốn lá thư nhưng chưa nhận được hồi âm. Cũng phải thôi, vừa mới ấm chỗ ngoài đường Chín đã lại chạy tuốt vào đây thì thư nào chạy theo cho kịp. Anh biết chắc một điều khi nhận được hòm thư thế nào Hiền cũng viết cho anh ngay. Nhưng giờ đây lại thay đổi địa chỉ thế này thì những lá thư đó chắc đang lưu lạc tận đẩu đâu. Từ hôm vào trở thành quân B4 anh cũng cứ nấn ná đợi có hòm thư mới sẽ viết thư cho Hiền nhưng đến tận bây giờ cũng chưa thấy thông báo. Không biết một tuần bên nhau ấy có “kết quả” gì không? Nhã biết cả Hiền và nhất là mẹ nữa mong mỏi điều đó biết nhường nào! Thật khổ cho Hiền, vợ chồng vừa mới bén hơi nhau đã lại xa biền biệt, nếu sớm có đứa con cô ấy sẽ đỡ buồn. Nói ra thì ngượng chứ nhiều đêm trong căn hầm chật chội dưới bụng xe ở nam đường Chín anh đã ôm cứng lấy Thắng mà ngấu nghiến, may mà nó đang tuổi ăn tuổi ngủ nên mặc anh vầy vò vẫn kéo gỗ khò khò cho đến lúc anh giật mình tỉnh dậy và vội buông ra. Còn Hiền, em sẽ làm thế nào đây khi nhớ đến anh?
          Cứ như vậy suốt hai mươi mốt ngày, sang ngày thứ hai mươi hai thì hàng đoàn trực thăng lại xuất hiện và chỉ trong một buổi sáng toàn bộ quân địch đã được bốc đi chỉ để lại thung lũng A Sầu- A Lưới những bãi đất ngổn ngang dây thép gai, công sự bê tông và vỏ đạn pháo. Ngay lập tức tiểu đoàn trưởng Tân và mấy cán bộ xuôi về phía nam A Sầu để tìm chỗ xây dựng cơ ngơi mới.
         
          ***

          Đúng như dự cảm của quyền tư lệnh Đào, với chủ trương khôi phục thế trận vây hãm, cô lập Khe Sanh cả về đường bộ và đường không đồng thời tăng cường đánh nhỏ của Bộ tư lệnh mặt trận thì tiểu đoàn xe tăng 198 chỉ còn biết nằm im chờ lệnh. Quả thật khi tình thế đã như vậy thì rất khó sử dụng xe tăng. Tuy nhiên chính sự thay đổi về mặt chiến thuật này đã phát huy tác dụng. Sư đoàn không vận số 1 của Mỹ sau một thời gian “tác oai, tác quái” nay liên tục đổ quân vào chỗ không người lại bị tập kích hỏa lực thiệt hại nặng nên đã bị rút đi. Số còn lại thì co cụm cố thủ trong công sự vững chắc như những con chuột ngày, thỉnh thoảng mở một cuộc hành quân giải tỏa lại bị phục kích chặn đánh nên đành lui về cứ điểm dùng hỏa lực ngăn chặn. Đường băng sân bay Tà Cơn thường xuyên bị pháo kích làm cho việc tiếp tế ngày một khó khăn.
          Trước những bế tắc trong đường lối tiến hành chiến tranh ở miền Nam và những thất bại nặng nề trong nửa đầu năm 1968 chính phủ Mỹ quyết định triệu hồi đại tướng Oét- xmo- len về nước và đưa tướng A- bram sang làm Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Mỹ ở miền Nam. Vừa có mặt tại Việt Nam tướng A- bram đã có những hành động cấp bách nhằm giải quyết vấn đề Khe Sanh từ lâu đã như một cái “dằm” trong đầu các chính khách Mỹ. Chúng mở cuộc hành quân mang mật danh “Xcốt- len II” với sự tham gia của một lực lượng lớn lính thủy đánh bộ cùng hàng trăm máy bay lên thẳng nhằm giải cứu Khe Sanh.
          Tuy nhiên mọi nỗ lực của Bộ chỉ huy cũng như quân lính trên chiến trường đã không đạt được mục tiêu. Chúng không những không giải cứu được Khe Sanh mà còn bị đánh cho thiệt hại nặng nề. Không chịu nổi sức ép từ nhiều phía ngày 26 tháng 6 năm 1968 tướng A- bram ra lệnh “triệt thoái Khe Sanh”.
          Khi nhận được tin này không khí trong sở chỉ huy mặt trận Đường Chín- Khe Sanh lập tức trở nên nhộn nhịp. Các cơ quan chạy ngược, chạy xuôi lên kế hoạch đánh địch rút chạy. Quyền tư lệnh Đào lên gặp trực tiếp tư lệnh mặt trận, ông khẩn khoản:
          - Đề nghị anh cho xe tăng chúng tôi tham gia đánh đuổi địch vài trận. Với sức cơ động cao và hỏa lực mạnh tôi tin rằng sẽ rất hiệu quả.
          Tư lệnh mặt trận cười:
          - Vẫn cay cú hả? Tôi cũng biết vậy nhưng cần gì phải đem “dao mổ trâu đi làm gà”. Cái bọn tàn quân đang vãi đái ra quần ấy chỉ cần vài khẩu pháo tầm xa, vài đơn vị nhỏ phục kích là được rồi- Ông vỗ vai quyền tư lệnh Đào an ủi- Thôi, cứ yên tâm! Chiến tranh còn dài, các cậu phải bảo toàn và phát triển lực lượng mạnh hơn nữa để tham gia những trận đánh quyết định sau này.
          Biết có nói thế nào đi nữa cũng chẳng lay chuyển được ý định người chỉ huy quyền tư lệnh Đào ra về nhưng vẫn hậm hực lắm.
          Ngày 9 tháng 7 năm 1968 Khe Sanh hoàn toàn được giải phóng, mặt trận Đường Chín- Khe Sanh giải thể, quyền tư lệnh Đào và các cán bộ tăng cường trở về cơ quan.

          Những cơn mưa đầu mùa đã xuất hiện báo hiệu một mùa mưa nữa đang đến gần. Các hoạt động tác chiến lớn trên chiến trường giảm hẳn. Tiểu đoàn xe tăng 198 được lệnh lui ra bắc đường Chín và tạm thời chuyển thuộc cho đoàn 559. Đại đội 9 cũng đã tìm được vị trí trú quân mới tương đối an toàn tại phía nam sân bay A Sầu. Nhiệm vụ chủ yếu của họ trong giai đoạn trước mắt là củng cố trang bị, bảo toàn lực lượng chờ thời cơ mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét