Nhiều người trong xã hội cũng chưa biết tường tận về đội ngũ nhà giáo trong các nhà trường quân đội cho lắm. Họ là những nhà giáo đích thực nhưng cũng có những góc khuất cuộc đời.
Trước hết- đó là những nhà giáo đích thực
Cũng như ở tất cả các nhà trường trong nước và trên thế giới, đội ngũ giảng viên, giáo viên trong các nhà trường quân đội là những người có nhiệm vụ truyền đạt đến học viên những kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo... cần thiết để sau khi ra trường có thể đảm nhiệm được nhiệm vụ chức trách của mình.
Bởi vậy, cũng như ở các trường ngoài quân đội, các nhà giáo quân đội để được đứng trên bục giảng cũng phải có những tiêu chuẩn, yêu cầu cụ thể về phẩm chất chính trị, đạo đức bằng cấp chuyên môn, tuổi tác v.v...
Trước đây, đã nói đến nhà giáo quân đội thì có một điều bất di, bất dịch - người đó phải là sĩ quan. Tuy nhiên, gần đây, với những đổi mới trong công tác quản lý cũng như nội dung giảng dạy trong các trường quân sự, nhà giáo quân đội có thể là quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) hoặc viên chức quốc phòng (VCQP).
Những trường hợp này, thường là giảng viên, giáo viên giảng dạy các nội dung cơ bản, cơ sở không liên quan đến chuyên ngành quân sự như: các môn đại học đại cương, ngoại ngữ, văn hóa... Mặc dù vậy, đội ngũ này vẫn thường xuyên phải tham gia tập huấn các nội dung quân sự thường thức.
Về nguồn cung cấp, bổ sung đội ngũ nhà giáo trước đây thường chủ yếu là các học viên tốt nghiệp xuất sắc được giữ lại trường rồi đưa đi bồi dưỡng tập huấn. Hiện nay, đầu vào của đội ngũ nhà giáo quân đội phong phú hơn. Đó là các học viện, trường đại học trong và ngoài quân đội có ngành học phù hợp.
Về quản lý các nhà trường quân đội và đội ngũ nhà giáo quân đội về cơ bản cũng tương tự như bên ngoài. Trên Bộ Tổng Tham mưu có một cơ quan chuyên quản lý, chỉ đạo các nhà trường, đó là Cục Nhà trường với chức năng tương tự như một Sở Giáo dục.
Các nhà giáo quân đội cũng phải chịu sự điều chỉnh của Luật Giáo dục, các quy định và được hưởng các chế độ tương tự như nhà giáo ngoài quân đội của Bộ Giáo dục- Đào tạo như quy định về giờ lên lớp, bồi dưỡng lên lớp, xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục.
Những người đủ tiêu chuẩn cũng được phong hàm giáo sư, phó giáo sư - tất nhiên là phải qua sự xét duyệt của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước.
Là bộ phận không thể thiếu và có vai trò, vị trí rất quan trọng trong các nhà trường quân đội, đội ngũ nhà giáo quân đội luôn được sự chăm lo bồi dưỡng của lãnh đạo chỉ huy các cấp - từ Bộ Quốc phòng xuống đến các đơn vị.
Đặc biệt, trong điều kiện thời bình như hiện nay, các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên được tổ chức để nâng cao trình độ đội ngũ nhà giáo, đảm bảo cho "thày phải ra thày!" đủ sức hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy của mình.
Những góc khuất cuộc đời nhà giáo quân đội
Mặc dù vẫn mang những nét chung như các nhà giáo song các nhà giáo quân đội còn có những nét đặc thù mà ở môi trường khác hoàn toàn không có.
Trước hết, các nhà giáo quân đội đều là quân nhân. Vì vậy, ngoài việc phải chịu sự điều chỉnh của Luật Giáo dục họ còn phải chịu sự điều chỉnh của Điều lệ nhà trường quân đội, Điều lệnh quản lý bộ đội và các quy định về quản lý kỷ luật như đối với mọi quân nhân trong nhà trường.
Chẳng hạn, trong các nhà trường khác, giáo viên khi lên lớp có thể ăn mặc tùy ý miễn là nghiêm chỉnh và đẹp thì các nhà giáo quân đội (trừ VCQP) bắt buộc phải mang quân phục với đày đủ quân hàm, quân hiệu và có tác phong lễ tiết theo quy định của quân đội.
Đối với các môi trường khác, ngoài giờ làm việc các nhà giáo có thể coi như tự do, muốn làm gì thì làm, đi đâu thì đi. Còn trong các nhà trường quân đội, các nhà giáo nội trú trong trường vẫn chịu sự quản lý như mọi quân nhân.
Và khi có kẻng báo động chiến đấu vẫn phải "cắm đầu cắm cổ" mà chạy để kịp thời gian có mặt như mọi người khác...
Trong các môi trường khác, mối quan hệ giữa người dạy với người học có vẻ rõ ràng hơn - kể cả ở bậc đại học. Đó là quan hệ thày và trò. Tuy nhiên, trong các nhà trường quân đội thì mối quan hệ đầu tiên giữa người dạy và người học lại là mối quan hệ đồng chí, đồng đội, sau đó mới là quan hệ thày - trò.
Cũng bởi mối quan hệ đó, cách xưng hô giữa người dạy với người học cũng khác bên ngoài. Không phải là "thày" với "em" mà là "đồng chí" và "tôi". Và có lẽ bởi vậy, các nhà giáo quân đội không bao giờ tổ chức "dạy thêm" để lấy thù lao.
Trường hợp học viên có yêu cầu, các thày sẵn sàng giúp đỡ vô tư. Tuy nhiên, gần đây có lẽ vừa do thương thày, vừa do ảnh hưởng từ bên ngoài... nên sau khi được phụ đạo, một số nơi học viên cũng tự giác bồi dưỡng cho thày chút ít.
Một điểm nữa, trong các nhà trường quân đội, thường có rất nhiều nội dung huấn luyện thực hành như sử dụng, sửa chữa, bảo dưỡng trang bị vũ khí... Bởi vậy, một trong những yêu cầu đối với các nhà giáo quân đội là năng lực thực hành phải thật giỏi.
Có năng lực thực hành giỏi như vậy mới làm động tác mẫu được cho học viên làm theo được, mới uốn nắn được những cái học viên làm sai và tránh được tình trạng như trong chuyện tiếu lâm: "Các đồng chí hãy làm như tôi nói chứ đừng làm như tôi làm!".
Một nét đặc thù nữa là với các nhà giáo chuyên ngành quân sự, sau khi tốt nghiệp dù được giữ lại làm giáo viên thì thường cũng phải đi thực tập tại đơn vị vài năm. Đặc biệt, đối với môn học chiến thuật chuyên ngành còn bắt buộc các nhà giáo phải trải qua một chức vụ chỉ huy nào đó.
Và tất nhiên, để dạy được chức vụ đó thì thày phải đã từng đảm nhiệm chức vụ cao hơn.Sở dĩ có quy định như vậy là bởi các trường quân đội hiện nay hầu hết đều "đào tạo theo chức vụ" - nghĩa là học viên sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhiệm một chức vụ nào đó.
Và cuối cùng, là một quân nhân nên sẵn sàng chiến đấu là chuyện đương nhiên. Đang là giáo viên đó song rất có thể bất ngờ bạn sẽ nhận được quyết định lên đường ngay lập tức đến một đơn vị nào đó ở biên cương hay hải đảo nếu ở đó có nhu cầu.
Nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam 20.11, xin phép "nhàn đàm" vài câu ngõ hầu mọi người hiểu thêm về đội ngũ những người làm công tác giáo dục - đào tạo trong quân đội và có sự cảm thông nhất định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét