Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2018

'KHỔ LUYỆN LÁI TÀI, CHAI TAY BẮN GIỎI"- XE TĂNG VN VƯỢT TƯỜNG, VƯỢT HÀO NHƯ THẾ NÀO?

"Khổ luyện lái tài, chai tay bắn giỏi" - Xe tăng VN luyện vượt vách đứng, vượt hào ra sao?
Ảnh minh họa.

Tính năng ưu việt của xe tăng là khả năng cơ động việt dã - tức là có thể tự mình vượt qua nhiều loại địa hình khác nhau, trong đó có nhiều vật chướng ngại tự nhiên hoặc nhân tạo.


Trong số các vật chướng ngại đáng kể nhất là vách đứng và hào. Với hai loại chướng ngại này, các loại xe bánh lốp đều chịu bó tay. Với ưu điểm của truyền động xích, xe tăng có thể dễ dàng vượt qua những vật chướng ngại đó- tất nhiên là trong giới hạn của tính năng.
Xe tăng vượt vách đứng (tường cứng) như thế nào?
Hầu hết các loại xe tăng chiến đấu hiện nay đều có khả năng vượt vách đứng cao từ 0,8 đến 1 mét. Điều đó có nghĩa, trên đường hành tiến, nếu gặp một tường chắn thẳng đứng có chiều cao như trên, xe tăng không cần tránh mà sẽ bình thản bò qua. Chiều cao này do độ cao trục bánh dẫn hướng và công suất động cơ quyết định.
Sở dĩ xe tăng có thể vượt qua được vách đứng như thế là nhờ xe có kết cấu truyền động xích. Do trọng lực lớn nén xuống cùng kết cấu của mặt ngoài các mắt xích sẽ tạo ra lực ma sát rất lớn giữa dải xích với mặt đường. Trong khi đó, động lực truyền từ động cơ ra kéo dải xích chuyển động song do lực ma sát rất lớn nên sẽ hình thành lực kéo đẩy xe tăng về phía trước.
Trường hợp vách đứng thấp hơn tính năng cho phép, lực kéo bám này sẽ đủ sức đẩy xe trườn lên vách đứng. Lúc đầu, đầu xe sẽ ngóc lên. Sau khi trọng tâm xe vượt qua mét vách đứng thì đầu xe sẽ hạ xuống như trạng thái bình thường.
Khổ luyện lái tài, chai tay bắn giỏi - Xe tăng VN luyện vượt vách đứng, vượt hào ra sao? - Ảnh 1.
Xe tăng T-90 được mệnh danh là "xe tăng bay".
Tuy nhiên, để xe vượt qua được vách đứng một cách thuận lợi, không dập xóc lái xe cần phải được huấn luyện tuân theo một số quy tắc bắt buộc và phải thao tác chính xác các động tác cần thiết.
Cụ thể: Trước khi vào vách đứng phải về số 1. Khi xích xe chạm vào vách đứng thì từ từ tăng chân ga. Khi trọng tâm xe đã vượt qua mép vách đứng, đầu xe bắt đầu hạ xuống thì giảm chân ga để xe hạ xuống nhẹ nhàng.
Trường hợp vách đứng cao hơn tính năng cho phép nhưng được xây dựng bằng vật liệu yếu, xốp (đất, bao cát...) thì có thể dùng xung lực cho xe lao vào để phá hủy một phần vách. Cần lưu ý là sử dụng tốc độ cao lao tới, khi sắp chạm vách đứng thì ngắt ly hợp, chỉ dùng quán tính của xe lao vào thôi.
Đây cũng là trường hợp bộ đội xe tăng ta đã gặp khá nhiều trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Để cản bước quân ta, quân địch đã dựng nhiều chướng ngại vật bằng thùng phuy đổ đầy đất và bao cát xếp ngang đường. Bằng cách cho xe tăng lao vào húc đổ một phần vật chướng ngại, chúng ta đã mở được đường cho xe tăng qua.
Khổ luyện lái tài, chai tay bắn giỏi - Xe tăng VN luyện vượt vách đứng, vượt hào ra sao? - Ảnh 3.
Ảnh minh họa.
Xe tăng vượt hào như thế nào?
Nhìn chung, xe tăng có thể vượt qua hào rộng dưới 1/3 chiều dài thân xe. Với các loại xe tăng chủ yếu hiện nay, chiều rộng hào mà xe có thể vượt thường vào khoảng 2,5- 2,8 mét.
Xe tăng sở sĩ có thể vượt được hào như thế cũng do nó sử dụng truyền động xích. Dải xích cuốn tròn sẽ như một dải băng liên kết các bánh chịu nặng riêng rẽ với nhau lại.
Khi xe tăng bắt đầu vượt hào, đầu xe sẽ hơi chúi xuống. Tuy nhiên, khi trọng tâm của xe vẫn chưa vượt qua mép hào thì nhờ trọng lực xe vẫn không chúc hẳn xuống mà chỉ ở trạng thái "chơi vơi". Khi bánh dẫn hướng và dải xích tiếp cận được mép hào bên kia, lực kéo bám sẽ đẩy cho xe sang tiếp.
Khi trọng tâm xe vượt qua mép hào thì phần xích phía trước đã bám vào mép hào bên kia, 1/3 xích phía sau vẫn ở trên đất bằng, các bánh chịu nặng ở giữa xe hơi trĩu xuống nhờ độ chùng của dải xích. Xe chuyển động bình thường.
Khổ luyện lái tài, chai tay bắn giỏi - Xe tăng VN luyện vượt vách đứng, vượt hào ra sao? - Ảnh 4.
Lái xe vượt hào. Ảnh minh họa.
Khổ luyện lái tài, chai tay bắn giỏi - Xe tăng VN luyện vượt vách đứng, vượt hào ra sao? - Ảnh 5.
Lái xe vượt vách đứng. Ảnh minh họa.
Khi trọng tâm xe vượt qua mép hào phía bên kia cũng là lúc dải xích phía sau xe rời khỏi mép hào bên này. Đuôi xe sẽ bị vít xuống một chút. Song nhờ trọng lực của phần đầu xe nên đuôi xe cũng chỉ ở trạng thái "chơi vơi" trong giây lát rồi xe tiếp tục vượt qua hào.
Trường hợp gặp hào rộng hơn tính năng mà chất liệu không quá vững chắc (đất, bao cát...) có thể dùng bộc phá hoặc đạn pháo phá phía bờ hào đối diện, sau đó cho xe trườn qua như khi vượt hố bom.
Đây là loại vật chướng ngại được sử dụng tương đối nhiều để chống lại các cuộc tiến công của xe tăng trong Thế chiến II. Còn trong chiến tranh Việt Nam, quân lực Việt Nam cộng hòa khi tổ chức phòng thủ Xuân Lộc (tháng 4.1975) cũng đào hào chống tăng trên hướng Bắc và Đông Bắc thị xã. Các hào chống tăng này đã gây rất nhiều khó khăn cho xe tăng Quân giải phóng.
Tính năng là như vậy song để lái vượt hào một cách thuần thục, nhẹ nhàng cũng không hề đơn giản. Người lái xe cần phải được huấn luyện kỹ càng và chấp hành nghiêm một số quy tắc.
Thông thường, để lái vượt hào cần căn hướng cho xe vào vuông góc với hào, giữ chân ga ổn định. Khi đầu xe đang "chơi vơi" giữa hào thì tăng chân ga. Nhờ lực kéo của động cơ tăng đột ngột đầu xe sẽ hơi ngóc lên, xích bám vào mép hào bên kia dễ hơn. Ngay sau đó lại phải giảm chân ga đột ngột để đuôi xe đỡ bị vít xuống nhiều.
Đối với những lái xe có kỹ thuật lái điêu luyện có thể lái vượt hào bằng số II, thậm chí cả số III để tăng tốc độ cơ động qua vật chướng ngại.
Nói tóm lại, tính năng kỹ thuật của trang bị vũ khí là một chuyện nhưng có phát huy được hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào con người sử dụng trang bị đó đúng như câu khẩu hiệu mà bộ đội xe tăng Việt Nam đã đúc kết nên: "Khổ luyện lái tài; Chai tay bắn giỏi".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét