"Phố Ngái của tôi còn có một tên khác là phố Hòa Bình. Tôi cũng không hiểu xuất xứ của cái tên này như thế nào, chỉ nhớ bố tôi nói: “Chỉ đến hòa bình lập lại (1955) cái phố Ngái này mới định hình và được coi như một đơn vị hành chính cấp thấp nhất nên mang tên như vậy”. Chỗ cao nhất của phố Ngái là Dinh- đó là đỉnh đồi, trên đó có một trạm quan trắc khí tượng với cái cột đo gió, đo mưa và mấy cái hộp xinh xắn như những chuồng chim bồ câu không biết ở trong là những máy móc gì. Ngay cạnh đó là một cái hố sâu hoắm lộ ra màu đất đỏ tươi. Cho đến những năm học cấp III thì tôi khẳng định phố Ngái chính là tàn tích một trận phun trào của núi lửa và cái hố sâu hoắm, đỏ tươi đỉnh đồi Dinh chính là cái miệng núi lửa. Tất nhiên, ngọn núi lửa này không lớn lắm. Đất ở đây màu đỏ tươi và rất mịn, đó là nơi mà các ông phó cối trong cả huyện vẫn đến lấy về để đóng cối: đất lấy về được đập cho tơi ra, phun lên một ít nước cho ẩm rồi nhồi vào vành cối và dùng vồ nện thật chặt, sau đó đóng dăm vào, để khô là tha hồ xay lúa vài năm; ngay cả cối giã gạo người ta cũng dùng đất này nện chặt. Nói không ngoa thứ đất đỏ nện chặt ấy bền chắc chả kém xi măng là mấy. Ngay dưới chân đồi là giếng Dinh. Giếng có đường kính hơn ba mét, được kè đá hộc từ dưới đáy lên. Xung quanh có thành cao khoảng 30 phân bọn tôi vẫn ngồi quay lưng lại để cọ khi tắm và sân giếng khá rộng rãi. Thấy bảo giếng Dinh này có nguồn từ suối Ngọc trên núi Côn Sơn nên nước vừa trong, vừa ngọt và không bao giờ cạn. Tôi còn nhớ có những năm đại hạn người từ trong làng Ngái, từ dưới Văn Đức cách ba, bốn cây số cũng phải đến đây gánh nước về ăn. Người đến lấy nước đông quá cho nên có lần giếng cạn tới đáy, dưới đó là một lớp cát vàng lẫn với đá hộc; người ta vét đến những gáo nước cuối cùng mà nước vẫn trong và chỉ cần vài phút sau nước lại đổ ra xâm xấp. Ngay như nhà tôi đã có một cái giếng nhưng trong nhà ai cũng kêu nước “ngang” lắm nên vẫn phải gánh nước giếng Dinh về ăn uống. Tôi thì ngại nhất khoản này vì không hiểu sao vai tôi chẳng đặt cái gì lên được, gánh có mỗi bên lưng thùng nước mà nó đau ê ẩm cứ phải luồn tay xuống đỡ, may mà nhà tôi có ông chú và sau này là ông anh đến học nghề may nên tôi thoát tội. Nhưng công bằng mà nói nước giếng Dinh “ngọt” và lành thật, đã bao lần lũ chúng tôi tu ừng ực từng gàu nước lã sau những trận đá bóng hay đánh trận giả nảy lửa mà chẳng thằng nào đau bụng, đau bão bao giờ. Giếng Dinh chắc chắn sẽ để lại những kỷ niệm không bao giờ phai nhạt trong ký ức những kẻ xa quê như tôi:
Giếng Dinh- có tự bao giờ?
Mà bao năm tháng nắng mưa dãi dầu
Mạch nguồn khởi tự nơi đâu?
Mà trong, mà mát như bầu nước tiên
Mà ăm ắp, mà vô biên
Dù đâu khô khát triền miên tháng ngày
Trai quê uống nước giếng này
Sức dài vai rộng đức tài giỏi giang
Gái quê uống nước giếng làng
Tóc dài, da trắng đảm đang mọi bề
***
Dẫu cho muôn dặm đường xa
Làm sao quên được Quê nhà, giếng Dinh!
Mà bao năm tháng nắng mưa dãi dầu
Mạch nguồn khởi tự nơi đâu?
Mà trong, mà mát như bầu nước tiên
Mà ăm ắp, mà vô biên
Dù đâu khô khát triền miên tháng ngày
Trai quê uống nước giếng này
Sức dài vai rộng đức tài giỏi giang
Gái quê uống nước giếng làng
Tóc dài, da trắng đảm đang mọi bề
***
Dẫu cho muôn dặm đường xa
Làm sao quên được Quê nhà, giếng Dinh!
Dân phố Ngái có một tục hay là đêm ba mươi Tết dù trong nhà còn đầy nước người ta vẫn lên giếng Dinh gánh một gánh nước để lấy may. Chẳng biết tục này có từ bao giờ song ngay từ hồi bé tí tôi đã thấy như vậy. Gánh nước đó sẽ được dành riêng để nấu cơm, nấu thức ăn và nước uống cho cả ngày Mồng Một. Vì vậy đêm ba mươi Tết đường lên giếng tấp nập những ngọn đèn dầu tù mù soi đường cho người đi gánh nước. Có người không cầm đèn mà chỉ cầm một nén hương đang cháy. Nó chẳng có tác dụng soi đường mà chắc chỉ nhằm báo cho người đối diện biết có người đang tới".
*Phố Ngái (Hòa Bình): thuộc KDC Chi Ngại 1, Cộng Hòa, Chí Linh, HD
Gánh nước đêm 30 Tết |
Lễ hội đình Phố Ngái (Hòa Bình) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét