Những ngày học tập tại Liên Xô, các học viên quân sự Việt Nam luôn được sống trong tình cảm yêu thương, quý trọng của mọi người dân Xô Viết.
Đặc biệt, giữa những người lính của hai Quân đội Liên Xô và Việt Nam thì tình cảm giữa họ với nhau còn sâu nặng hơn. Đó là sự đồng cảm của những người anh em cùng chiến hào, đồng thời cũng hết sức mộc mạc chân tình như những người nông dân mặc áo lính.
Bao tải khoai tây ngoài bờ rào
Là cơ sở đào tạo sĩ quan từ thời Nga Sa hoàng nên khuôn viên trường đào tạo sĩ quan xe tăngthuộc Học viện Quân sự mang tên Nguyên soái Saposnikov có diện tích rộng mênh mông. Bên cạnh đó là khu gia đình sĩ quan cũng rất rộng lớn.
Để tận dụng đất đồng thời cải thiện đời sống nên Học viện thường cho gia đình các sĩ quan mượn đất để tăng gia sản xuất. Diện tích đất cho mượn không hạn chế và cũng không phải nộp bất cứ thuế phí gì.
Thực ra, vào thời điểm đó thu nhập của gia đình các sĩ quan Liên Xô không phải là thấp so với mặt bằng xã hội. Tuy nhiên, phần nhiều trong số họ xuất thân từ nông dân nên rất yêu quý ruộng đất và cũng thích lao động chân tay. Ngoài ra họ cũng muốn thông qua công việc này để giáo dục tinh thần yêu lao động cho con cái.
Vì vậy, hoặc nhiều hoặc ít nhưng hầu hết gia đình các sĩ quan đều mượn Học viện một khoảnh đất để trồng trọt. Các loại cây họ trồng thường là rau củ các loại, nhất là khoai tây và cà chua thì rất phổ biến.
Biết được điều đó, các học viên lớp Xạ kích xe tăng Việt Nam chúng tôi đề nghị với thầy chủ nhiệm cho cùng tham gia cho vui bởi ngày nghỉ ở học viện cũng chẳng có việc gì làm. Lúc đầu, thầy đồng ý nhưng sau đó thì lại từ chối vì lý do: "Các đồng chí thông cảm! Học viện nghiêm cấm chuyện học viên lao động giúp gia đình giáo viên".
Mọi chuyện rồi cũng đi vào quên lãng. Cho đến một hôm thầy bảo: "Sáng chủ nhật này, nếu thấy một bao tải khoai tây để ở bờ rào ký túc xá thì cứ xách vào mà dùng nhé!". Hỏi lại thì thầy cười: "Không nói nhiều. Cứ thế mà thực hiện!".
Thì ra, đến mùa thu hoạch, thầy muốn chia sẻ thành quả lao động của gia đình mình với các học viên Việt Nam. Tuy nhiên, vì những quy định của Học viện nên thầy không thể đem cho một cách công khai đành nghĩ ra giải pháp này. Nghĩ cũng buồn cười nhưng cũng thật cảm động.
Cuộc gặp gỡ bất ngờ ở quán bia hơi
Ở Việt Nam, nhất là ở Hà Nội bia hơi rất phổ biến. Quán bia hơi thường đông vào lúc buổi chiều, sau giờ tan tầm. Đó là nơi người ta gặp gỡ nhau giải khát sau một ngày làm việc vất vả và có người đã nâng tầm chuyện đó lên thành "văn hóa bia hơi".
Tuy nhiên, nhiều người không biết, ở Liên Xô trước đây và ở Nga hiện nay cũng có bia hơi - đó là các quán được gọi là "пиво". Tất nhiên, không phổ biến như ở Hà Nội nhưng cũng rất đông vui, nhộn nhịp, nhất là vào mùa hè.
Đó thường là nơi tụ họp của cánh đàn ông. Quán chỉ bán bia, còn "mồi nhậu" do khách tự mang đến. Loại mồi phổ biến nhất ở đây thường là cá khô Astrakhan mặn đến rụt lưỡi hoặc món cá "chượp" rất tanh.
Đối với các học viên sĩ quan xe tăng thì quán "пиво" của thị trấn Solnechnogorsk (vùng Moscow) cũng là một địa chỉ quen thuộc trong những ngày nghỉ. Tới đó, vừa thưởng thức món bia hơi cho đỡ nhớ nhà đồng thời cũng là cơ hội để quan sát, tìm hiểu cuộc sống thường nhật của người dân nước bạn.
Với lại, giá cả món bia hơi của bạn khá rẻ. Thời giá 1984-1985 chỉ cần 5 Kopec (5 xu Nga) là đã được 1 cốc 300 ml rồi. Cũng chẳng cần phải nói gì nhiều: ở đó có mấy máy bán bia tự động, cứ thả đồng 5 Kopec vào rồi hứng lấy bia ra mà uống nên rất tiện. Mà bia này cũng rất ngon, có phần ngon hơn so với bia chai.
Món mồi mà họ hay mang đến đây là lạc rang, đôi khi sang hơn là con mực nướng. Cả hai món này đều đã được các bạn nhậu giơ ngón tay cái lên cùng lời khen "Ố-chin khơ-ra-sô" (rất ngon) sau khi nếm thử.
Một buổi chiều hè, ba sĩ quan Việt Nam đang nhâm nhi bia cùng gói lạc rang mang từ nhà đi thì hai anh bạn người Nga chừng hơn 30 tuổi cầm theo ly bia cùng một con cá khô to đến làm quen và xin phép ngồi cùng. Tất nhiên là họ đồng ý.
Sau khi mời nhau dùng món nhắm của mình cộng với vài loạt bia nữa, câu chuyện giữa họ ngày càng sôi nổi mặc dù bất đồng ngôn ngữ. Loanh quanh một hồi, ba sĩ quan Việt Nam cũng hiểu: hai anh bạn đó là lính hải quân đến đây công tác.
Cùng là quân nhân cả nên câu chuyện giữa họ càng ngày càng rôm rả. Cuối cùng, anh bạn có vẻ cứng tuổi hơn đứng lên trịnh trọng mời ba người bạn mới quen về thăm nơi họ đang tạm trú và ba sĩ quan Việt Nam đã vui vẻ nhận lời.
Như những người bạn thân thiết, họ bá vai nhau về nơi hai anh bạn người Nga tạm trú. Đó là một phòng khách sạn rẻ tiền ở gần đấy. Căn phòng của hai anh đàn ông tạm trú nên khá bừa bộn nhưng vẫn dễ dàng thấy trên mắc áo một bộ quân phục thiếu tá và một bộ quân phục chuẩn úy chuyên nghiệp Hải quân Liên Xô.
Sau khi nói một thôi một hồi như muốn phân trần với ba anh bạn Việt Nam về tình trạng tạm bợ của nơi ở, anh chàng thiếu tá Hải Quân moi trong hộc tủ ra một chai vodka hiệu "Stolitsnaya" và tuyên bố: "Vừa rồi là giải khát. Bây giờ mới là uống mừng hội ngộ giữa những người lính!".
Đã biết về tửu lượng của người Nga song trước nhiệt tình của người bạn mới, ba sĩ quan Việt Nam không nỡ từ chối. Chỉ với vài món đơn giản mà anh bạn chuẩn úy chuyên nghiệp vụng về chuẩn bị sau khoảng ba mươi phút chai rượu đã hết nhẵn.
Sợ anh bạn quá nhiệt tình sẽ sai quân đi mua nữa, trong khi đây là thời điểm Gorbachov cấm rượu, vodka rất hiếm nên ba sĩ quan Việt Nam xin cáo từ.
Tuy nhiên, anh bạn thiếu tá chưa cho về. Anh ta bắt ba người ngồi xuống rồi nói: "Hôm nay, những chiến binh của hai nước anh em gặp nhau vui quá. Tôi rất muốn tặng các bạn món quà kỷ niệm. Nhưng rất tiếc, do điều kiện đang đi công tác nên chẳng có gì đáng giá cả. Chỉ có cái áo truyền thống của thủy binh Nga thôi!".
Video tạm dừng
Vừa nói anh ta vừa mở cái cặp của mình ra. Đúng là trong đó, ngoài cuốn sổ, cái máy cạo râu ra thì chỉ có mấy bộ quần áo lót, trong đó nổi bật là tấm áo lót màu xanh nước biển thẫm với những sọc ngang màu trắng - tấm áo thủy binh Nga nổi tiếng.
Các sĩ quan Việt Nam hết sức trân trọng món quà. Họ cảm ơn hai anh bạn mới quen rồi ra về. Nhưng lại một lần nữa, anh bạn thiếu tá giữ họ lại: "Không! Ba người mà chỉ một món quà là không ổn!".
Không chần chừ, anh ta cởi ngay áo ngoài và lột chiếc áo lót thủy binh đang mặc đưa cho người bạn thứ hai: "Bạn thông cảm nhé! Nó hơi có mùi mồ hôi".
Còn người bạn thứ ba, anh ta lấy ngay chiếc mũ kê-pi của Hải quân Liên Xô đang treo cạnh bộ quân phục xuống ấn vào tay: "Bạn cầm lấy! Tôi đã xong công việc nên không cần đến nó nữa. Về đơn vị tính sau".
Cầm trên tay chiếc áo lót và chiếc mũ còn đẫm mùi mồ hôi người bạn mới quen, các sĩ quan Việt Nam cảm động không nói nên lời.
Mấy chục năm đã trôi qua. Liên bang Xô Viết không còn nữa nhưng tình cảm của những sĩ quan, binh lính Xô Viết trong lòng các học viên quân sự Việt Nam thì còn mãi mãi.
http://soha.vn/hoc-vien-xe-tang-vn-o-nga-bao-khoai-tay-ngoai-bo-rao-va-cuoc-gap-bat-ngo-o-quan-bia-hoi-20171101155752144.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét